TIN TỨC » Kiến thức

Sự thật thú vị không nhiều người biết: Mùng 1 Tết luôn rơi vào khoảng từ 20/1 đến 20/2 Dương lịch, vì sao?

Thứ tư, 15/01/2025 22:13

Việc mùng 1 Tết Nguyên đán luôn nằm trong khoảng thời gian ngày 20/1 đến 20/2 Dương lịch là một sự thật thú vị không nhiều người biết.

Tết Nguyên Đán là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Việt. Tết đến xuân về không chỉ là niềm khao khát của biết bao đứa trẻ để được xúng xính quần áo mới, được ăn bánh mứt và nhất là được nhận lì xì mà nó còn mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Đó là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây; còn thể hiện sự gắn kết trong cộng đồng, gia tộc và gia đình. Tết Nguyên đán còn là dịp để hướng về cội nguồn. Đó là giá trị tâm linh, cũng là giá trị tình cảm sâu sắc của người Việt, trở thành truyền thống tốt đẹp.

Việc mùng 1 Tết Nguyên đán luôn nằm trong khoảng thời gian ngày 20/1 đến 20/2 Dương lịch là một sự thật thú vị mà không nhiều người biết.

Lý giải về điều này,Th.S Trần Tiến Bình, nguyên cán bộ Ban Lịch Nhà nước, sau này là Phòng Nghiên cứu lịch, Trung tâm Thông tin Tư liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có chia sẻ trên báo VTC News: "Hiện tượng này xảy ra là do khái niệm Đông chí, một trong 24 tiết khí mà người xưa sử dụng".

Ông Bình cho biết, 24 tiết khí (mà dân gian hay gọi là Lịch Nhà nông) thực tế là một loại Dương lịch (tính theo vị trí của Mặt trời) chứ không phải Âm lịch như nhiều người lầm tưởng. Tuy nhiên, người xưa đã khéo léo vận dụng nó để theo dõi vụ mùa.

Trái đất xoay quanh Mặt trời một vòng 360 độ, và 24 tiết khí là các điểm đặc biệt trên quỹ đạo của Trái đất xung quanh Mặt trời. Mỗi điểm cách nhau 15 độ, xuất phát từ Xuân phân 0 độ, Thanh minh 15 độ, Cốc vũ 30 độ.... đến Kinh trập 345 độ.

Người nông dân thường đặt tên tiết khí theo đặc điểm của thời điểm đó, như Lập xuân (bắt đầu mùa xuân), Thanh minh (thời tiết trong lành, sáng sủa), Vũ thủy (thời tiết mưa ẩm), Kinh trập (sâu nở), Tiểu mãn (lũ nhỏ), Bạch lộ (sương trắng)....

Trong 24 tiết khí thì Đông chí (giữa mùa đông) có điểm đặc biệt vì nó được dùng để xác định Âm lịch. Tiết Đông chí luôn rơi vào tháng 11 Âm lịch, thời điểm giữa mùa đông.

Các mùa xuân, hạ, thu, đông xuất hiện là do trục Trái đất nghiêng hơn 23 độ so với quỹ đạo chuyển động, dẫn đến độ cao Mặt trời thay đổi trong năm.

Theo Dương lịch, có 4 điểm đặc biệt đánh dấu độ cao Mặt trời. Ngày Xuân phân (khoảng ngày 20/3) có ngày và đêm dài bằng nhau. Ngày Hạ chí (khoảng 21/6), Mặt trời ở vị trí cao nhất gây ra hiện tượng ngày dài nhất và đêm ngắn nhất. Thu phân (khoảng 21/9) có ngày và đêm dài bằng nhau. Vào ngày Đông chí (khoảng 21/12), Mặt trời ở vị trí thấp nhất, gây ra hiện tượng ngày ngắn nhất và đêm dài nhất.

Theo cách tính của Dương lịch, ngày Đông chí rơi vào khoảng 21/12 hàng năm khi Mặt trời ở vị trí thấp nhât. Vì vậy, tiết khí này có hai đặc điểm: Luôn thuộc về tháng 11 Âm lịch; rơi vào khoảng ngày 21/12 Dương lịch.

Nếu ngày Đông chí nhằm vào 30/11 Âm lịch và 21/12 Dương lịch thì 31 ngày sau sẽ là 21/1 Dương lịch và cũng là mùng 1 Tết Nguyên đán. Nếu ngày Đông chí rơi vào 1/11 Âm lịch thì mùng 1 Tết Nguyên đán sẽ đến sau tối đa 60 ngày (20/2 Dương lịch).

Do đó, mùng 1 Tết cổ truyền đến sớm nhất là 20/1 và chậm nhất là 20/2 Dương lịch, tuỳ thuộc vào việc ngày Đông chí rơi vào đầu hay cuối tháng 11 Âm lịch.

Năm 2025, tiết Đông chí bắt đầu vào ngày 21/12 Dương lịch, tức 21/11 Âm lịch; mùng 1 Tết Nguyên đán Ất Tỵ sẽ nhằm vào 29/1/2025 theo lịch dương.

Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới