Khá nhiều khán giả thắc mắc rằng tại sao các vị đại thần trước khi khấu kiến vua lại thường phủi phủi, đập đập hai ống tay áo. Đặc biệt hơn, hành động này thường xuất hiện nhiều trong các bộ phim lấy bối cảnh đời nhà Thanh. Và đằng sau hành động này là 3 ý nghĩa hay ho dưới đây:
Thứ nhất, tổ tiên nhà Thanh là bộ lạc du mục sống ở phương Bắc lạnh giá, ngày ngày cưỡi ngựa săn bắn. Chính bởi đặc tính này mà trang phục của người Thanh thường được thiết kế dày và dài, cổ tay áo thiết kế theo hình móng ngựa vừa giữ ấm cổ tay, vừa dễ dàng giương cung bắn.
Khi người Mãn Châu cai trị Thanh triều, họ vẫn giữ nguyên đặc điểm về cổ tay áo trên trang phục của các đại thần lẫn thái giám nhằm nhắc nhở con cháu nhà Thanh luôn ghi nhớ về quá khứ của tổ tiên.
Tuy nhiên, mùa hè ở Kinh thành khá nóng bức, các đại thần, thái giám cũng không cần đi săn bắn. Vậy nên để thuận tiện, họ thường xắn cổ tay áo lên. Chỉ khi hành lễ với hoàng thượng thì họ phải phủi tay áo xuống. Ý nghĩa đằng sau của hành động này là phủi sạch bụi trần trên cơ thể, thể hiện sự tôn kính với người mà mình đang hành lễ.
Thứ 2, phủi ống tay áo còn để chứng minh với hoàng thượng, phi tần rằng mình không hề giấu vũ khí trong người. Trong lịch sử Trung Quốc, vụ Kinh Kha giấu con dao nhỏ trong tay áo để ám sát Tần Thủy Hoàng nhưng bất thành là một trong những sự kiện nổi tiếng nhất. Vụ việc khiến những vị vua sau đời nhà Tần đều phải cảnh giác và sinh ra tục lệ các bắt đại thần phải phủi tay áo khi gặp vua.
Trong phim Lệ Cơ Truyện, Kinh Kha ám sát Tần Thủy Hoàng bằng hai con dao, 1 giấu trong tay áo, 1 cuộn trong tấm bản đồ nước Yên.
Thứ 3, người Trung Quốc có thành ngữ "lưỡng tụ thanh phong". Nghĩa là giữa 2 ống tay áo ("lưỡng tụ") chẳng có gì ngoài 1 ngọn gió nhẹ ("thanh phong") thổi xuyên qua. Mọi thứ đều rõ ràng, hanh thông, chẳng có gì mập mờ, cần phải giấu diếm.
Hàm ý của câu "lưỡng tụ thanh phong" chỉ tấm lòng liêm khiết, thanh bạch mà kẻ bề tôi muốn chứng minh cho hoàng thượng thấy rõ.
Tay áo của người Trung Quốc xưa được thiết kế rất rộng, có thể giấu được nhiều thứ từ tấu chương, sách cho đến những vật dụng khác. Chính vì vậy, hành động phủi tay áo trước khi khấu kiến vua mang 3 ý nghĩa chính là thể hiện sự thành kính, chứng minh không không giấu giếm thứ gì trong tay áo và thể hiện tấm lòng thanh bạch.