Chúng ta thải ra khoảng một tỷ tấn rác thải mỗi năm, và mặc dù đốt rác trong núi lửa nghe có vẻ là cách hoàn hảo để xử lý rác nhưng thực ra việc này tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm và bất ổn.
Không thể tiêu hủy mọi loại rác
Mặc dù mức nhiệt 1100 độ C có thể nung chảy nhiều loại vật liệu khác nhau, bao gồm thức ăn thừa, giấy, nhựa, thủy tinh và một số loại kim loại, nhưng dung nham vẫn phải chịu đầu hàng trước những chất liệu cứng đầu hơn như thép, niken và sắt.
Dung nham núi lửa không thể nung chảy những chất liệu cứng đầu như thép, niken và sắt
Chi phí vận chuyển quá cao
Vị trí địa lý của núi lửa tương đối nguy hiểm và hiểm trở, khiến việc vận chuyển trở nên rất khó khăn. Để xử lý rác, bạn phải chọn trong số những ngọn núi lửa đang hoạt động, nhưng những ngọn núi lửa này cách nhau tương đối xa.
Có khoảng 1.500 ngọn núi lửa có khả năng hoạt động trên thế giới, hầu hết đều cách xa nơi ở của con người. Điều này có nghĩa là việc gửi tất cả rác thải của người dân đến một ngọn núi lửa đang hoạt động có thể rất tốn kém.
Không phải ngọn núi lửa nào cũng phù hợp
Một số người đã đặt ra câu hỏi, phương pháp này đắt tiền nhưng lại rất hiệu quả, chỉ cần đốt đi thì không còn gì phải lo lắng. Việc chi tiền một lần sẽ giải quyết được mọi lo lắng về sau. Thực tế là như vậy nên một số người vẫn không từ bỏ núi lửa. Tuy nhiên, trong giai đoạn thực hiện sau này, người ta phát hiện ra một vấn đề lớn hơn. Không phải tất cả các núi lửa đang hoạt động đều thích hợp để đốt rác! Chỉ có núi lửa hình khiên là "lò đốt" tốt nhất để xử lý rác thải.
Chỉ có núi lửa hình khiên là "lò đốt" tốt nhất để xử lý rác thải.
Núi lửa hình khiên là những ngọn núi lửa có sườn phẳng và độ dốc thấp, với dung nham phun chậm qua các kẽ nứt trên bề mặt Trái đất. Tuy nhiên, phần lớn các núi lửa trên Trái đất là loại núi lửa hình nón cao. Những loại núi lửa này thường có xu hướng "nổ" bất chợt khi áp suất khí nóng và dung nham bên trong trở nên quá cao. Hơn nữa, trong số 1511 ngọn núi lửa được biết đã phun trào trên trái đất trong 10.000 năm qua, 699 trong số đó là núi lửa dạng hình nón cao. Có thể thấy, không dễ để tìm được một ngọn núi lửa hình khiên thích hợp để đốt rác.
Gây thảm họa
Nếu may mắn tìm được núi lửa phù hợp thì bạn vẫn phải đối mặt với một thử thách nguy hiểm khác khi muốn đổ rác vào miệng của núi. Đầu tiên là lượng khí độc núi lửa - gồm nhiều loại khí hình thành khi đốt lưu huỳnh như H2S, SO2... đủ để giết chết một người trong vòng 1 phút nếu hít phải quá nhiều.
Ngoài ra, việc trực tiếp đổ rác thải vào hồ dung nham đang hoạt động là 1 việc làm vô cùng mạo hiểm. Các hồ dung nham thường được bao phủ bởi 1 lớp vỏ dung nham nguội lạnh. Nhưng ngay bên dưới lớp vỏ đó, nham thạch lại tồn tại dưới dạng nóng chảy và nguy hiểm. Nếu đất đá hay bất cứ vật liệu gì rơi lên bề mặt của hồ dung nham, lớp vỏ bao bọc bên trên sẽ bị phá vỡ, tác động mạnh đến dòng nham thạch bên dưới và có thể gây ra 1 vụ nổ lớn.
Năm 2002, một nhóm nhà nghiên cứu người Ethiopia đã ném một túi rác nặng 30kg vào một ngọn núi lửa và nó phát nổ. Trong một hồ dung nham ở Hawaii, những tảng đá rơi vào đó khiến dung nham phun trào cao 85 mét lên không trung. Bạn có tưởng tượng được vụ nổ sẽ lớn thế nào nếu ném rác của cả nước vào đó không?
Đó là chưa tính đến việc lượng khí thải của quá trình này sẽ tiến thẳng vào bầu khí quyển, gây tác hại rất lớn cho môi trường. Ở các quốc gia trên thế giới, hệ thống đốt rác luôn đi kèm một hệ thống ngăn và lọc khí độc trước khi thải ra môi trường. Do đó, việc đốt rác bằng núi lửa là không hề khả thi.