TIN TỨC » Kiến thức

Tại sao cửa kính máy bay và tàu hoả lại có hình bầu dục chứ không phải hình vuông?

Chủ nhật, 11/06/2023 17:04

Cửa sổ máy bay hay tàu hoả đều được thiết kế bo tròn, có hình bầu dục, điều này có ý nghĩa gì không?

Tất cả các chi tiết trên máy bay và tàu hỏa đều được tính toán và thiếu kế kỹ lưỡng. Và nếu để ý bạn sẽ thấy cửa sổ của 2 phương tiện này đều có hình bầu dục và bo tròn. Chi tiết tuy nhỏ này từng không được các nhà thiết kế quan tâm nhưng lại là nguyên nhân khiến máy bay gặp nạn.

Vì sao cửa kính máy bay và tàu hoả có hình bầu dục?

Vào đầu những năm 1950, máy bay phản lực thương mại đầu tiên trên thế giới đã được phát triển và sản xuất bởi hãng De Havilland. Đây được xem là phép màu của ngành hàng không. Tuy nhiên, sau một năm sử dụng, chiếc máy bay bị rơi ra từng mảnh ngay trên bầu trời và trong vài tháng sau đó có thêm 2 chiếc nữa chịu chung số phận.

Các kỹ sư xem xét tỉ mỉ đến từng con ốc của máy bay và họ phát hiện được nguyên nhân chính là do cửa sổ có hình vuông. Bởi các góc vuông thường là nơi chịu áp lực cao nhất, hơn gấp nhiều lần so với các bộ phận khác, điều này hoàn toàn có thể phá huỷ độ cứng của toàn bộ cấu trúc cửa sổ, làm cho chúng có nguy cơ bị nứt và các sự cố khác bên trong cabin.

Ngược lại góc được bo tròn có thể giảm bớt điểm tập trung áp lực trong kết cấu khi tác động cơ học với chuyển động liên tục và đủ nhanh. Trong trường hợp này, tải trọng được phân bổ đều trên toàn bộ đường cong và không tập trung tại một điểm hoặc một góc. Vì vậy, các kỹ sư quyết định thay thế các của số trên máy bay bằng hình tròn hoặc bầu dục nhằm giúp kéo dài tuổi thọ của phương tiện và để tránh các sự cố, tai nạn xảy ra.

Cửa sổ máy bay có hình bầu dục nhằm giúp kéo dài tuổi thọ của phương tiện và để tránh các sự cố, tai nạn xảy ra.

Dần dần, xu hướng bo tròn cửa sổ này được áp dụng với các phương tiện giao thông công cộng khác, đặc biệt là tàu hỏa. Đó là lý do các cửa sổ trên máy bay, tàu hoả hay các phương tiện khác đều được thiết kế bo tròn.

Về sau, cửa sổ của tàu hòa cũng được thiết kế hinh bầu dục.

Ngoài ra, với thiết kế hình bầu dục nó cũng giúp hành khách ngắm cảnh phía ngoài dễ dàng hơn với góc nhìn rộng hơn.

Vì sao khi máy bay cất cánh và hạ cánh phải mở tấm che cửa sổ?

Cất cánh và hạ cánh là 2 giai đoạn có nhiều nguy cơ nguy hiểm nhất trong hành trình bay. Hầu hết tai nạn xảy ra trong 2 khâu này. Tấm che cửa sổ cần được mở để nếu xảy ra trường hợp khẩn cấp, phi hành đoàn có thể quyết định ngay bên nào của máy bay là an toàn nhất để sử dụng cửa thoát hiểm.

Ngoài ra, việc mở màn cửa sổ khi máy bay cất và hạ cánh còn có những lợi ích sau:

- Hành khách thường thích nhìn ra cửa sổ, do đó họ có thể sẽ nhanh chóng phát hiện điều bất thường bên ngoài, dấu hiệu hỏng hóc trên cánh, động cơ hay vật thể lạ để thông báo cho tổ bay.

- Với các chuyến bay ban ngày, việc mở cửa sổ sẽ giúp mắt hành khách quen với ánh sáng tốt hơn. Trong trường hợp cần thoát hiểm, độ tương phản ánh sáng không thay đổi đột ngột, làm hại thị lực của họ.

- Với các chuyến bay đêm, nếu gặp sự cố, qua cửa sổ mở, nhân viên cứu hộ dưới mặt đất dễ dàng quan sát những gì xảy ra bên trong máy bay hơn.

Thùy Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới