TIN TỨC » Kiến thức

Tại sao gần 10 năm nữa mới lại có ngày 30 Tết?

Thứ hai, 22/01/2024 16:17

Theo lịch từ sau 2024 trở đi, bạn sẽ chỉ được đón Giao thừa vào ngày 29 Tết cho tới tận năm 2033.

Còn hơn nửa tháng nữa mới đến Tết nhưng netizen đã và đang lan truyền cách ứng phó với câu hỏi: "Bao giờ lấy chồng?", "Sắp cưới chưa?"... từ người thân quen. Trong đó có một status rất hay đang được lan truyền là "30 Tết sau nhé ạ". Vì phải gần 10 năm nữa mới có ngày 30 Tết.

Vậy một điều khiến nhiều người thắc mắc là vì sao gần một thập kỷ nữa mới có ngày 30 Tết?

Theo cách tính của Âm lịch thì từ sau 2024 trở đi, sẽ chỉ được đón Giao thừa vào ngày 29 Tết cho tới tận năm 2033. Nói cách khác, từ Tết năm 2025 đến Tết năm 2032 sẽ không có 30 Tết.

Theo lịch âm, số ngày trong tháng được tính dựa trên con số thiên văn vận hành của Trái đất, Mặt trăng và Mặt trời. Nhiều người còn gọi lịch âm là lịch Mặt trăng vì tuân theo quan sát chu kỳ trăng tròn.

Hiện tượng không có 30 tết liên quan tới thuật toán tính lịch âm. Khác với Dương lịch dựa vào chu kỳ chuyển động của Trái đất xung quanh Mặt trời (làm tròn là 365 ngày, mỗi tháng có 30 hoặc 31 ngày), trong Âm lịch, số ngày trong tháng được tính dựa trên chu kỳ Mặt trăng trong mối tương quan với Trái đất và Mặt trời.

Thời điểm 3 thiên thể này nằm thẳng hàng theo thứ tự Trái đất - Mặt trăng - Mặt trời, người quan trắc đứng trên Trái đất không còn nhìn thấy Mặt trăng, đó là ngày mùng 1 (ngày sóc).

Thời điểm 3 thiên thể này nằm thẳng hàng theo thứ tự Mặt trăng - Trái đất - Mặt trời, đó là thời điểm trăng tròn. Ngày rằm (15 Âm lịch) chưa chắc đã trúng vào lúc trăng tròn, nhưng ngày mùng 1 thì luôn luôn là ngày Sóc.

Thời gian Mặt trăng từ tròn đến khuyết có chu kỳ bình quân 29,53 ngày. Trong khi đó, số ngày của mỗi tháng bắt buộc phải là số chẵn, bởi thế nên mới dẫn đến trong Âm lịch có tháng thừa, tháng thiếu.

Hiện tượng 8 năm liên tục tháng Chạp thiếu - chỉ có 29 ngày - như giai đoạn 2025 - 2032 như đã nói ở trên chỉ là một sự trùng hợp. Hiện tượng này ít được biết đến và rất thú vị, tuy nhiên không hẳn là quá hiếm. Chẳng hạn, như từ năm Bính Thân (2016) đến năm Canh Tý (2020), liên tiếp 5 năm có tháng Chạp đủ.

Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới