Thang máy là một thiết bị vận tải chạy theo chiều đứng để vận chuyển người, hàng hoá giữa các tầng. Ngày nay ngoài các trung tâm thương mại hay siêu thị lớn nhiều gia đình còn lắp thang máy tại gia để tiện di chuyển.
Thế nhưng những ký hiệu và chi tiết liên quan đến thang máy không phải ai cũng biết.
Tại sao trong thang máy có lắp gương?
Nhiều người cho rằng, gương trong thang máy chỉ có nhiệm vụ giúp mọi người xem xét lại đầu tóc, trang phục trước khi bước ra ngoài, đến phòng làm việc hoặc tham gia các buổi gặp gỡ. Thực tế, ngoài việc tăng tính thẩm mỹ, tiện lợi, gương là một trong những thiết kế tiêu chuẩn có chức năng giúp bạn an toàn hơn khi sử dụng thang máy.
Với những người mắc hội chứng sợ không gian hẹp và kín, việc phải đứng trong thang máy khiến họ cảm thấy ngột ngạt, bức bối và thậm chí sợ hãi. Việc lắp đặt một chiếc gương trong thang máy có thể giúp bạn giảm bớt lo lắng bằng cách mang lại cảm giác không gian rộng hơn, khiến nó bớt chật chội hoặc chật hẹp hơn và giảm bớt cảm giác bị giam cầm.
Việc lắp gương trong tháng máy để giúp giảm bớt lo lắng với những người sợ không gian hẹp.
Ngoài ra, những tấm gương được dựng lên để chuyển hướng sự chú ý của mọi người, giúp họ có thứ gì đó để nhìn trong khi chờ đợi. Việc nhìn ngắm mọi thứ trong gương có thể khiến bạn cảm thấy thời gian di chuyển ngắn hơn nhiều.
Tất nhiên, nhiều người sẽ tận dụng gương trong thang máy để trang điểm lại, như tô son, điều chỉnh cà vạt, kiểu tóc, đảm bảo cho bản thân hình ảnh chỉn chu nhất khi bước ra ngoài để gặp mọi người.
Tầng M, B, G, R trong thang máy là gì?
Tầng B
Chữ B trên bảng điều khiển thang máy là viết tắt của từ tiếng Anh Basement (tầng nhà dưới đất), hay còn gọi là tầng hầm. Ở các chung cư và khu thương mại thì tầng B thường được dùng để đỗ xe máy và ô tô.
Tầng G
G là viết tắt của từ Ground trong tiếng Anh, có nghĩa là đất, mặt đất. Ở đây, tầng G là tầng trệt.
Tại nhiều nước châu Âu, nhắc tới tầng trệt, người ta sẽ hiểu là tầng nằm ngay trên mặt đất. Với tầng này, người ta không đánh số mà ghi ký hiệu là tầng G. Phía trên tầng trệt sẽ lần lượt là các tầng 1, 2, 3…, còn phía dưới tầng trệt là tầng hầm (Basement), ký hiệu là B (nếu có nhiều tầng hầm thì đánh số B1, B2, B3...).
Tại Việt Nam cũng có sự khác nhau về quy ước tầng trệt giữa miền Bắc và miền Nam. Miền Bắc gọi tầng sát mặt đất là tầng 1, tiếp theo là tầng 2, tầng 3... còn người miền Nam gọi tầng sát mặt đất là tầng trệt, những tầng tiếp là lầu 1, lầu 2, lầu 3...
Tầng R
Trong khách sạn 4 sao, 5 sao, R có thể là ký hiệu của nhà hàng (viết tắt của từ Restaurant).
Còn trong các trung tâm thương mại, siêu thị, tòa nhà văn phòng thì ký hiệu R (hoặc RT) là từ viết tắt của Rooftop, có nghĩ là tầng thượng.
Một số ký hiệu khác
Ngoài các tầng thường gặp như tầng B,G, R, chắc hẳn mọi người từng gặp các ký hiệu khác. Dưới đây là một số ký hiệu thang máy thường được sử dụng.
Các ký hiệu thang máy trong khách sạn
1-n: Nút bấm gọi số tầng
G-ground: Ký hiệu tầng trệt
R-restaurant: Ký hiệu nhà hàng
L-Lounge hoặc Lobby: Ký hiệu sảnh chờ
UL-upper lobby: Ký hiệu sảnh trên
LL-lower lobby: Ký hiệu sảnh dưới
UG-upper ground: Ký hiệu tầng lửng
B-basement: Ký hiệu tầng hầm
Garage: Ký hiệu tầng để xe.
Các ký hiệu thang máy siêu thị, chung cư, tòa nhà văn phòng
1-n: Số tầng tương ứng
B-basement: Ký hiệu của tầng hầm
R (hoặc RT) - rooftop: Ký hiệu của tầng thượng
MB - motorbike: Ký hiệu tầng để xe máy
P-parking: Ký hiệu tầng để xe
G-ground: Ký hiệu của tầng trệt.
Cuối cùng, trong văn hóa phương Tây, số 13 bị coi là con số xui xẻo. Vì thế nhiều toà nhà cao tầng thường tránh đánh số 13. Tiếp theo tầng thứ 12 là tầng 14.
Trong nhiều trường hợp, để không ai phải "dính dáng" đến con số đen đủi trên mà số tầng vẫn không bị "nhảy cóc", người ta thay tầng 13 bằng tầng 12B (phía dưới tầng 12B là tầng 12A hoặc 12). Những người ở tầng 12B sẽ có cảm giác khá yên tâm. Mặt khác, do đó thực chất vẫn là tầng 13 nên giá bán căn hộ có thể rẻ hơn, đủ để coi là một sự bù đắp xứng đáng cho khách hàng chấp nhận lựa chọn.