TIN TỨC » Kiến thức

Tại sao Hoàng đế Quang Tự vừa chết liền nhập liệm? Chuyên gia nói rằng ông chết rất thảm, mãi đến tận 2008 mới vạch trần chân tướng

Thứ tư, 10/02/2021 07:04

Rất có lòng muốn làm một vị vua tốt, thương dân và vì dân nhưng Quang Tự chỉ là không gặp thời, lên ngôi vào lúc thiên hạ không nằm trong tay ông. Sức cô thế yếu nên đành trở thành bù nhìn suốt quãng đời ngắn ngủi với cái chết thê thảm.

“Làm người bề trên, buộc phải có lòng yêu dân và lòng thương lo cho dân. Yêu sâu đậm thì mới thương cho toàn vẹn. Thương cho toàn vẹn thì dân đói, mình cũng đói, dân rét, mình cũng rét. Dân làm được điều gì thì mình cũng sẽ làm được điều đó, điều mà dân không làm được thì mình phải dốc hết sức lực để hoàn thành”.

Đây là một phần ngự chế văn do vua Quang Tự thời nhà Thanh viết khi mới 15 tuổi, từ trong bài văn có thể thấy ông rất muốn trở thành một vị vua tốt, yêu dân và vì dân. Thế nhưng, trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, chính quyền trong triều lại không nằm trong tay vua Quang Tự, bách tính thiên hạ cũng không còn là dân của ông nữa, ông còn bù nhìn hơn cả Phổ Nghi, chết còn thê thảm hơn cả Trân Phi...

Quang Tự vốn là một vị vua thông minh nhưng lại không thể đấu nổi với một Từ Hi thái hậu quá gian xảo. Cuối cùng bị chính trở thành công cụ buông rèm nhiếp chính của bà, bị chính bà hại chết thê thảm.

4 tuổi xưng đế, cả đời làm bù nhìn

Quang Tự sinh năm 1871, cha ông là con trai của vua Đạo Quang, mẹ là em gái của Từ Hi thái hậu, trên ông có một người anh trai chết yểu, thế nên trong gia đình khi ấy chỉ có một mình ông là con trai độc nhất. Nếu như không phải năm 1874 vua Đồng Trị đột ngột qua đời, ông không hề có con cái, trong cuộc họp giữa Từ Hi với các quan đại thần trong triều thì sẽ không có việc tên của vua Quang Tự xuất hiện lặp đi lặp lại như thế.

Khi ấy, Từ Hi để có thể thuận lợi nắm chắc triều chính, sau này có thể buông rèm nhiếp chính, bỏ qua con trai Tái Trừng của Dịch Hân, đổi lại lập con trai thứ của Thuần Thân Vương Dịch Hoàn, cũng chính là vua Quang Tự lên làm vua mới. Trong những năm tháng sống trong chốn hoàng cung thâm sâu, u buồn, có lẽ vua Quang Tự cũng đã từng oán hận cha mình, cho rằng ông vì tiền đồ mà hi sinh cả người con trai còn lại duy nhất của mình dâng lên vị trí ông vua bù nhìn. Nhưng trên thực tế, sau khi Từ Hi nói ý định của mình, Thuần Thân Vương lăn ra đất khóc lóc không thôi, cho dù là có ai đỡ thì cũng không đứng vững lên được, bởi vì ông biết người con mà mình cùng vợ chăm sóc tỉ mỉ kia phải đi chịu nạn rồi.

Rất nhanh, chỉ trong nửa đêm hôm đó, vua Quang Tự đã được đưa vào trong cung, Thuần Thân Vương và vợ ông chỉ có thể đứng đó giương mắt nhìn đứa con bé bỏng của mình bị đưa lên kiệu. Trong bóng đêm đen, dưới ánh đèn mờ hiu hắt, thân hình cậu bé ấy xiêu xiêu vẹo vẹo, nhưng từ đây về sau phải ưỡn thẳng lưng, lại còn phải đứng vững chống đỡ giang sơn Đại Thanh đang lung lay sắp sập dưới sự buông rèm nhiếp chính của hai vị thái hậu.

Biến pháp thất bại, bị nhốt vào Doanh Đài

Năm 1875, vua Quang Tự chính thức kế vị, Từ Hi thái hậu sắp xếp đưa ông tới cung Dục Khánh để đọc sách, viết chữ, để đại thần trong triều là Ông Đồng Hòa và Hạ Đồng Thiện dạy ông học, còn sai người dạy ông võ nghệ, cưỡi ngựa, bắn cung, nhưng chẳng ai dạy ông làm một vị hoàng đế. Thế nên ông mới tưởng làm hoàng đế chính là học hành chăm chỉ, khổ luyện, để Từ Hi thái hậu khen ông một câu “cần cù chăm chỉ”.

Sau đó từ năm 1876 cho tới năm 1880, chính trị trong triều Đại Thanh chẳng có việc gì liên quan tới ông cả. Năm 1881, Từ An thái hậu qua đời, Từ Hi trở thành kẻ cầm quyền duy nhất trong triều, lúc này vua Quang Tự cũng đã 15 tuổi. Trong quan niệm của người cổ đại, 15 tuổi đã không còn là trẻ con nữa rồi, Từ Hi thái hậu không thể trực tiếp nắm chính quyền được nữa nhưng bà không hề muốn từ bỏ quyền lực, vậy thì phải làm thế nào?

Thuần Thân Vương đưa ra một chủ ý cho bà, là người mà năm ấy đã khóc lóc khi con trai mình bị lựa chọn làm hoàng đế, trong mười mấy năm ấy ông lại coi con trai mình trở thành bàn đạp, trở thành tâm phúc của Từ Hi thái hậu. Ông nói với Từ Hi rằng sau khi để vua Quang Tự lên xử lý triều chính, bà sẽ ở bên “dạy chính trị” cho, những chuyện liên quan tới đại sự thì đều phải nghe theo sắp xếp của bà. Gọi là “dạy chính trị”, chứ thực ra tất cả mọi thứ, vua Quang Tự đều phải nghe theo lời bà.

Vua Quang Tự còn vì điều này mà hi sinh cả tình yêu của mình, Từ Hi vì muốn khống chế ông đã gán cháu gái của mình cho vua Quang Tự làm Hoàng hậu. Ngày 26 tháng 9 năm 1889, vua Quang Tự thành hôn, ông không biết mùi vị của tình yêu là như thế nào, cũng không muốn biết, ông luôn chờ đợi một ngày mình đủ lông đủ cánh, thế nên mới làm những việc như thuận theo ý của Từ Hi nhưng thực tế lại âm thầm nhanh chóng trưởng thành. Trong quá trình như thế, ông biết triều Thanh đã thối nát tới mức độ như thế nào, cần phải có một cuộc cách tân, đất nước suy yếu cần phải có thủ đoạn cự tuyệt cứng cắn.

Vì vậy mà vào năm 1894, cuộc chiến tranh Trung Nhật nổ ra, nhà Thanh không thể không lựa chọn việc cắt đất bồi thường để cầu hòa, lúc này vua Quang Tự kiên quyết không đồng ý, ông cho rằng nội dung hiệp ước quả thực quá hà khắc, không thể ký hiệp ước được. Trái lại quan thần trong triều lại không ai nghe ông, ông chỉ có thể tới tìm Từ Hi, mong Từ Hi hiểu ra sự nguy hiểm trong đó. Lúc này, Từ Hi ngoài việc hưởng thụ ra chẳng thèm quan tâm bất cứ thứ gì nữa. Vua Quang Tự cô lập không ai trợ giúp đã phải nuốt nước mắt ký vào bản hiệp ước Mã Quan (hay còn gọi là hiệp ước Shimonoseki) dưới sự ép buộc của Tôn Dục Văn và Dịch Hân.

Cũng chính lần phản kháng thất bại ấy đã khiến lòng quyết tâm cải cách của ông ngày càng kiên định hơn. Năm 1898, ông cho gọi đại biểu phái duy tân Khang Hữu Vi vào cung, sau đó ban bố một chính sách mới với một sự cứng rắn, kiên quyết ủng hộ “biến pháp duy tân” của Khang Hữu Vi. Trong những chính lệnh đó, ông ủng hộ việc học cái mới, ủng hộ người dân học hỏi tư tưởng mới, ủng hộ thời đại đi về hướng tân sinh, ủng hộ việc thoát ly khỏi cái cũ thối nát và ngoan cố không chịu thay đổi ấy.

Tuy nhiên, một chuỗi các hành động này của ông đã gặp phải sự phản đối của Từ Hi - đại diện của phái bảo thủ với cái cũ. Hơn nữa, Từ Hi đã nắm giữ chính quyền trong nhiều năm như thế, vốn dĩ đã coi ông như cái gai trong mắt, bà lại một lần nữa chuẩn bị ép buộc vua Quang Tự cúi đầu dưới mình, để ông làm quan viên đại diện cho mình. Tuy nhiên, bà vẫn gặp phải sự phản đối của vua Quang Tự, lần này ông còn mạnh dạn làm điều ngược lại ý của bà, trọng dụng rất nhiều các quan viên có tư tưởng cải cách, tập hợp lực lượng tân sinh cho triều đình.

Thế nhưng, cuộc cách tân của vua Quang Tự chỉ kéo dài được 100 ngày. Ngày 28 tháng 7 cùng năm, vua Quang Tự tưởng rằng Từ Hi sẽ dùng thủ đoạn cứng rắn để phế bỏ mình nên đã gửi cho Khang Hữu Vi một chiêu thư bí mật, Khang Hữu Vi cảm động bởi tinh thần biến pháp cải cách không tiếc tính mạng của vua Quang Tự, quyết định bắt giết Từ Hi thái hậu để diệt trừ hậu họa. Ban đầu họ muốn nhờ Viên Thế Khải giúp đỡ nhưng Viên Thế Khải không đồng ý, ngược lại đi nói với Vinh Lộc, Vinh Lộc lập tức nói cho Từ Hi thái hậu khiến lần biến pháp này đã gặp phải khó khăn.

Ngày 13 tháng 8 cùng năm, Từ Hi thái hậu bắt giết tất cả người trong phái duy tân ở Thái Thị Khẩu, Bắc Kinh. Ngoài Khang Hữu Vi đã chạy thoát được, tất cả mọi chỗ dựa của vua Quang Tự đều đã bị thanh trừ hết, ngay cả ông cũng bị giam cầm trong Doanh Đài. Từ Hi thái hậu còn định lập một vị vua khác nhưng từ bỏ và thương lượng lại với vua Quang Tự. Từ đó, ông đã thực sự trở thành cái xác không hồn, khi lên triều gần như không nói gì cả, ánh mắt vô hồn, chỉ có xác thịt là đang thở mà thôi.

Bệnh nặng băng hà, bí ẩn về cái chết

Vua Quang Tự cũng có một vài khoảnh khắc sống vui vẻ. Nhưng năm 1900, 8 nước liên quân xâm lược Tử Cấm Thành, Từ Hi đưa Trân Phi vào tròng, đó là chút nỗi nhớ tiêu tán theo khói mây của ông. Ông cũng đã từng cố đấu tranh lần cuối trước lúc chết, năm 1901, ông lại có ý đồ khôi phục tân chính quyền nhưng Từ Hi lại kiểm soát ông ngày càng nghiêm ngặt, ông chỉ có thể âu sầu than khổ với Đức Linh: “Ta có ý muốn phục hưng Trung Quốc nhưng ngươi biết ta không thể làm chủ được, không thể làm theo ý ta muốn được”.

Năm 1908, do bị áp bức cực độ, vua Quang Tự ốm bệnh liệt giường, Từ Hi thấy ông sắp chết, lập tức đón Phổ Nghi vào cung, chuẩn bị khi Quang Tự chết sẽ cho Phổ Nghi lên kế vị ngay để bà ta một lần nữa nắm giữ chính quyền. Ngày 21 tháng 10 cùng năm, vua Quang Tự băng hà, hưởng thọ 38 tuổi, không thể dựng lại triều Thanh, thậm chí triều Thanh còn thối nát hơn, nhưng điều này không hề liên quan gì tới ông, ông và Trân Phi sắp được đoàn tụ.

Những tin đồn về ông trong lịch sử mãi không ngừng lan truyền, một trong những nguyên nhân chính là vì ban đầu vua Quang Tự ốm không nặng lắm nhưng lại đột ngột trở nên nặng hơn. Trong cuốn “Sùng lăng truyện tín lục”, Uẩn Dục Đỉnh có ghi chép, trước khi vua Quang Tự qua đời từng nói Từ Hi nhất định sẽ chết sớm hơn mình khiến Từ Hi ôm hận ghi thù. Trong cuốn “Mật sử chữa trị cho vua Quang Tự”, Khuất Quế Đình có nói triệu chứng trong 3 ngày trước khi vua Quang Tự qua đời là bụng đau tới mức ông lăn lộn dữ dội trên giường, mặt đen lưỡi tím. Những biểu hiện này cho thấy, cái chết của vua Quang Tự không hề bình thường.

Những người đem lòng hoài nghi về cái chết của ông khi ấy cũng không thể làm rõ chân tướng vì 4 ngày trước khi vua Quang Tự chết, Từ Hi thái hậu đã chuẩn bị sẵn các công việc hậu sự và chỉ chờ ông chết. Thế nên ông vừa chết đã vội vàng đưa di thể vào trong quan tài, cũng không xây dựng phần mộ cho ông một cách tử tế mà lại bị đưa tới cung Dịch Huyện Hành để ở đó mãi cho tới năm 1912. Sự kiêng dè đối với Từ Hi thái hậu, mọi người cũng không dám nói cái chết của vua Quang Tự còn nhiều bí ẩn cần lấy lại thi thể để khám nghiệm tử thi nên bí mật về cái chết của ông vẫn mãi bao trùm khắp triều Thanh, cho tới ngày nay mới được tiết lộ.

Năm 2008, các nhà khảo cổ học mở quan tài của vua Quang Tự ra, lấy một ít tóc của ông để làm giám định. Kết quả giám định cho thấy, ở chân tóc của ông có chứa hàm lượng asen cao nhất, lên tới 362.7μg/g, vượt quá lượng gây chết người rất nhiều. Điều này cho thấy ông đã dùng một hàm lượng lớn chất asen nên mới chết, khiến cho nồng độ asen ở tóc mới nhiều như thế. Asen chính là chất kịch độc, sau khi ăn sẽ lập tức xuất hiện các triệu chứng đau bụng, nôn mửa khiến chức năng tim phổi bị giảm sút, trong các trường hợp thông thường sẽ chết trong 1 tiếng đồng hồ. Thế nên ngay cả chuyên gia cũng nói ông chết thực sự quá thê thảm.

Vậy ai chính là người đã đầu độc ông? Các chuyên gia đều cho rằng đó chính là Từ Hi thái hậu. Thực ra từ những chi tiết bên trên đều có thể đoán ra, vua Quang Tự nói Từ Hi sẽ chết trước mình, Từ Hi ôm hận nên đã hạ độc ông. Thế nên, Từ Hi mới chuẩn bị sẵn hậu sự cho ông trước khi ông chết, điều này cho thấy bà đã biết ngày mà vua Quang Tự phải chết, chỉ không ngờ là ông kiên trì gắng gượng 4 ngày, vì chết không minh bạch nên mới được cho vào quan tài một cách vội vã.

Khả năng Từ Hi thái hậu đầu độc ông là rất lớn, trong cuốn “Khải công khẩu thuật lịch sử” có ghi, Từ Hi thái hậu còn từng ban thưởng cho ông - người đang bị giam cầm một bát “sữa chua”. Sau khi uống bát sữa chua đó, không lâu sau thì ông đã trút hơi thở cuối cùng. Trước khi vua Quang Tự lâm bệnh, Từ Hi thái hậu đã bắt đầu lan truyền tin đồn ông bệnh nặng sắp chết, sau đó không lâu thì quả nhiên là đã “bệnh nặng”. Từ Hi thái hậu quả thực cũng đã nhiễm bệnh cùng lúc với vua Quang Tự nhưng vẫn chết sau ông, vào ngày 22 tháng 10 mới chết, không thể thực hiện nguyện vọng chết trước vua Quang Tự của ông.

Vũ Phong (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới