Câu chuyện bắt đầu vào đầu thế kỷ 15, sau khi Minh Thành Tổ Chu Đệ chinh phạt Đại Việt (1407) và bắt giữ nhiều người Việt, trong đó có Nguyễn An. Sinh năm 1381 tại Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), Nguyễn An bị đưa vào cung làm thái giám. Trong bối cảnh đầy biến động và nghi kị, Hoàng đế Chu Đệ chỉ đặt niềm tin vào các thái giám, tin rằng họ sẽ trung thành hơn các quan lại. Đây là một phần lý do Nguyễn An được trọng dụng. Tuy nhiên, yếu tố quyết định vẫn là tài năng xuất chúng của ông.
Lý giải nguyên nhân hoàng đế Trung Quốc kiên quyết giao thái giám người Việt Nam trọng trách xây Tử Cấm Thành
Minh Thành Tổ quyết định dời đô về Bắc Kinh và giao cho Nguyễn An cùng thái giám Trịnh Hòa trọng trách xây dựng Tử Cấm Thành. Đây là một dự án khổng lồ, đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu rộng và khả năng tổ chức phi thường. Nguyễn An đã chứng tỏ mình hoàn toàn xứng đáng với trọng trách này.
“Minh Sử” ca ngợi Nguyễn An là người thanh liêm, trung thực và được Hoàng đế yêu mến. Ông được đánh giá cao về kiến thức kiến trúc, là người thiết kế “các kiểu mẫu chính của hai cung, ba điện, các nhà, các ty ở phủ bộ thành Bắc Kinh”. Các quan trong Bộ Công không thể thay đổi thiết kế của Nguyễn An, chỉ còn cách “khoanh tay chịu theo kiểu mẫu đã vạch ra sẵn mà làm theo”. Sự tín nhiệm của Hoàng đế dành cho Nguyễn An thể hiện rõ qua việc ông được ban thưởng rất nhiều, nhưng “của riêng không quá 10 đồng tiền vàng”, phần lớn được ông đóng góp vào công trình xây dựng.
Nhà sử học Trương Tú Dân nhận định Nguyễn An đã “đem hết sức thông minh của mình để thâu thái lấy tinh hoa văn hoá Trung Quốc, không ngừng trau dồi tài năng và cống hiến hết mình cho văn hóa Trung Quốc”. Ông đã khéo léo kết hợp triết lý “trời tròn đất vuông” của phương Đông vào thiết kế Tử Cấm Thành, tạo nên một công trình kiến trúc vừa uy nghi tráng lệ vừa hài hòa với thiên nhiên, thể hiện rõ địa vị tối cao của Hoàng đế – trung tâm của vũ trụ.
Quá trình xây dựng Tử Cấm Thành kéo dài 17 năm, trong đó 13 năm dành cho việc thiết kế và chuẩn bị nguyên vật liệu. Năm 1421, một năm sau khi hoàn thành, ba điện lớn (Thái Hòa, Trung Hòa, Bảo Hòa) và hai cung (Càn Thanh, Khôn Ninh) bị hỏa hoạn. Nguyễn An lại được giao nhiệm vụ tái thiết và chỉ trong vòng một năm, ông đã hoàn thành xuất sắc.
Tài năng của Nguyễn An tiếp tục được khẳng định dưới thời Minh Anh Tông (1435-1464), khi ông được giao nhiệm vụ mở mang và trùng tu thành Bắc Kinh. Một mình ông đảm nhiệm toàn bộ công việc thiết kế, tính toán và chỉ đạo thi công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Câu chuyện về Nguyễn An là minh chứng cho tài năng vượt trội của người Việt. Dù trong hoàn cảnh éo le, ông vẫn vươn lên khẳng định mình, để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử kiến trúc Trung Hoa, góp phần tạo nên một trong những kỳ quan kiến trúc nổi tiếng nhất thế giới – Tử Cấm Thành.