TIN TỨC » Kiến thức

Tại sao không được ăn thịt chó ngày Tết?

Thứ năm, 08/02/2024 17:52

Đầu xuân năm mới, một trong những điều kiêng kỵ nhiều người truyền tai nhau là không ăn thịt chó. Vậy chuyên gia giải thích thế nào?

Đầu năm (từ mùng 1 Tết) là khoảng thời gian quan trọng và truyền thống trong văn hóa Việt Nam. Nhiều người có thói quen ăn những món ăn đặc biệt vào dịp này, trong đó có cả thịt chó.

Tuy nhiên, có nhiều tranh cãi xoay quanh việc có nên ăn thịt chó vào đầu năm mùng 2, 4 Tết hay đầu tháng hay không.

Nhiều người kiêng kỵ ăn thịt chó vào ngày đầu năm, đầu tháng.

Theo quan niệm, nên kiêng ăn thịt chó vào đầu năm hoặc đầu tháng, bởi món ăn này có thể khiến cả năm, cả tháng gặp những điều xui xẻo, không may mắn. Bởi theo quan niệm của người xưa để lại, chó là loài động vật sống kiếp nô bộc, chịu đựng nên mang trong mình vận xui, đen đủi.

Mặc dù, thịt chó là một loại thức ăn rất giàu chất dinh dưỡng và được nhiều người ưa thích không chỉ ở hương vị mà còn được coi là món ăn đặc trưng. Thông thường, thịt chó được ăn vào cuối tháng với ý nghĩa là món ăn giải xui xẻo. Trong những ngày đầu năm mới, người Việt quan niệm rằng không nên ăn vì "đen như mõm chó", để tránh gia đình mình gặp vận xui, không may mắn suốt cả năm.

Tuy nhiên PGS. TS Bùi Hoài Sơn nói: "Có những tri thức dân gian ở dạng kiêng kị không có cơ sở khoa học, chỉ tồn tại nhờ niềm tin như kiêng ăn thịt chó, ngan, vịt,… vì thế có thể thay đổi".

Chính vì thế, dù khoa học đã rất phát triển, những chứng minh của khoa học có thể trang bị cho con người những thông tin để bác bỏ hay ủng hộ những kiêng kị nhất định nào đó, thì vẫn có rất nhiều người tin và thực hành những kiêng kị.

Ở khía cạnh văn hóa, các kiêng kị giúp cho các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về cách nhìn nhận về thế giới, tự nhiên và con người, thực hành tín ngưỡng, tôn giáo… của một cộng đồng nào đó.

"Không có đúng - sai, khoa học hay không khoa học liên quan đến phong tục tập quán. Và về mặt đạo đức, chúng ta cũng cần tôn trọng các biểu đạt đa dạng của văn hóa tồn tại ở các dạng kiêng kị này", PGS. TS Bùi Hoài Sơn cho biết.

Lưu ý khi ăn thịt chó:

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thịt chó cũng tương tự các loại thịt động vật khác như thịt bò, thịt trâu, thịt lợn, thịt gà... bởi cũng chứa các nhóm dinh dưỡng cơ bản như: Chất đạm, chất béo, canxi, sắt, các vitamin: A, B1, B2, B3...

Tuy nhiên, thịt chó có năng lượng cao, trong 100g thịt chó cung cấp tới 338 Kcal nhiều hơn 118 Kcal của thịt bò và 199 Kcal của thịt gà.

Trong Đông y, thịt chó giàu chất đạm nhưng lại có tính nhiệt cao. Khi ăn thịt chó rất dễ gây nóng trong, đầy bụng, trướng bụng, khó tiêu. Thường xuyên ăn nhiều thịt chó gây gánh nặng cho hệ tiêu hóa, gan, thận.

Chính bởi quá giàu đạm nên các chuyên gia khuyến cáo người bệnh gout không nên ăn thịt chó.

Những người đã mắc bệnh gout, cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu ăn thịt chó vào càng khiến tình trạng bệnh nặng hơn.

Ngoài ra, một số tài liệu cho rằng thai phụ nếu ăn nhiều thịt chó có thể khiến axit uric tăng lên dẫn đến nguy cơ cao về sản giật và tiền sản giật. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu đã chứng minh người cao huyết áp, người bệnh đái tháo đường, người hay bị mẩn ngứa, mụn nhọt cũng nên hạn chế loại thực phẩm này.

Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới