Cua biển là loại hải sản được yêu thích nhất nhì bởi độ thơm ngon, tươi ngọt và chắc thịt. Bên cạnh ăn các món cua biển được chế biến tại nhà hàng, nhiều người thường chọn cách mua cua tươi sống về nhà để tự chế biến bởi cách này thường có chi phí rẻ hơn.
Những con cua biển tươi sống khi được bán sẽ được buộc chặt bằng những chiếc dây rất to. Vậy mục đích của người bán là gì, vì sao lại buộc dây cho cua biển?.
Ăn gian trọng lượng
Ngoài mục đích tránh cua bò ra ngoài, việc buộc dây còn là cách để người bán ăn gian trọng lượng. Đã có không ít trường hợp, khách hàng ngớ người sau khi mở sợi dây ra khỏi con cua. Những sợi dây dài hàng mét được quấn chặt thành nhiều lớp nên khi mua không ai phát hiện được, chỉ khi về mở ra mới tá hỏa.
Che đậy khi cua không còn tươi
Khách hàng đều chọn cua cẩn thận khi mua song cũng có người thiếu kinh nghiệm mà "sập bẫy" người bán. Một số chủ hàng sẽ trộn những con cua óp, không còn tươi lẫn với các con cua tươi ngon. Cho nên, họ buộc dây rất kỹ và chọn dây vải dày khiến cho nhiều phần trên con cua bị che mất. Người mua không quan sát, chọn và nhìn kỹ thì không biết được những con cua ươn hay gần hỏng.
Giữ an toàn cho khách
Cũng có thể rằng đó là cách giữ cho khách hàng không bị càng cua kẹp vào tay. Thậm chí, nhiều người khi mua cua cũng sợ bị kẹp nên nếu khách nhìn thấy những con cua trần, không buộc dây thì khách có thể không chọn mua nữa mà sang hàng khác.
Tránh rụng càng
Người ta buộc dây vào cua có thể nhằm giữ cho càng cua không bị gãy. Cua bị rụng càng có nghĩ là hình thức bên ngoài giảm, người mua không chọn dù giá rê vì cho rằng cua không tươi. Bên cạnh đó, trong quá trình vận chuyển, sự va chạm giữa các con cua nhiều, nếu có dây buộc thì nguy cơ càng bị gãy, rụng giảm đáng kể.