Đằng sau vẻ ồn ào, náo nhiệt của khung cảnh buôn bán sầm uất ở phố cổ Hà Nội là những ngõ nhỏ hun hút, ngôi nhà tồi tàn đã gắn bó với con người nơi đây mấy chục năm nay. Đó là những con ngõ nhỏ sâu, chỉ đúng một người đi. Bước vào mỗi con ngõ nhỏ như bước vào một con đường hầm, mò mẫm mãi mà không thấy ánh mặt trời.
Ít ai có thể ngờ được trong con ngõ tưởng chừng bé hẹp ấy lại có những con người chấp nhận sống chung với bóng tối, với ẩm ướt.
Những căn nhà chật chội, ngõ ngách hun hút ở phố cổ Hà Nội.
Nhưng dù vậy, người dân nơi đây cũng không muốn chuyển đi vì sao?
Gần trung tâm, kiếm tiền dễ dàng, mang danh khu vực đắt giá… được cho là những nguyên nhân khiến người dân phố cổ Hà Nội không muốn rời đi, dù cuộc sống tại đây chật chội, bức bí và ngột ngạt. Trong số những nguyên nhân này, kiếm tiền dễ là nguyên nhân quan trọng hơn cả.
“Vì sao người nông thôn thích ra Hà Nội làm việc? Vì sao sinh viên học xong đều thích ở lại Hà Nội, không muốn về quê? Câu trả lời chung là vì Hà Nội dễ kiếm tiền và dễ tiêu tiền”, chị Trần Thị Nga, sống tại phố Hàng Bạc nói thẳng, khi được hỏi tại sao ở chật mà vẫn không muốn rời phố cổ.
Chị nói, người dân các quận vùng ven ở Hà Nội dễ kiếm tiền một, thì dân phố cổ dễ gấp 10. Đó là lý do chính khiến cho nhiều người thích ở phố cổ, dù nó chật chội và có phần bẩn thỉu, nhếch nhác.
Không gian sống chật chội và tù túng (Ảnh minh họa)
Chị Nga kể, hàng xóm nhà chị cũng vừa bán nhà chuyển về vùng ven, nhưng đang cảm thấy hối hận với quyết định này. “Họ chuyển về khu Bắc Từ Liêm, người thưa, đất rộng hơn so với phố cổ, mở hàng ăn, nhưng mà kiếm được ít lắm so với trên này, nên đang chán”, chị Nga tiết lộ.
Trước đây, gia đình người hàng xóm này có căn nhà chỉ hơn 12 m2 ở phố Hàng Bè nhưng có tới hơn 10 nhân khẩu sinh sống. Quá bí bách và chật chội, gia đình này đã bán căn hộ phố cổ, chuyển về vùng ven và mua được một mảnh đất.
Theo lời chị Nga, trước đây, gia đình người hàng xóm mở cửa hàng bán đồ lưu niệm cho khách du lịch. “Người mua toàn khách Tây, chả mấy khi mặc cả, nói giá nào, mua giá đó. Nhập vào đáng bao nhiêu đâu, nhưng bán ra thì lãi lắm”, chị kể.
Thu nhập mỗi tháng không nhiều, nhưng cũng đủ để nuôi sống cả gia đình. Chị Nga còn liệt kê nhà ông A chỉ bán nước ở đầu phố mà cho con đi du học nước ngoài, hay bà B cho thuê cửa hàng rộng vài m2 mà chỉ ngày ngày lê la đi khắp nhà nọ đến nhà kia buôn chuyện vẫn có thu nhập ổn định hàng tháng.
(Ảnh minh họa)
Tại phố cổ Hà Nội, có những công việc tưởng chừng rất bình dân nhưng lại là việc “hái ra tiền”. Nhưng chính việc kiếm tiền dễ, tiêu tiền nhanh, nhịp sống sầm uất, gấp gáp tại đây khiến cho những ai đã quen thì không muốn chuyển đi chỗ khác.
“Ra ngõ là gặp hàng quán, muốn ăn gì, làm gì chỉ cần một cú điện thoại là đến tận nơi. Giải trí thì có rạp phim, trung tâm thương mại và các khu vui chơi quanh hồ Hoàn Kiếm. Chốn đi chơi cũng nhiều, và hơn hết là không khí sầm uất, đông vui tại phố cổ, đúng chất Hà Nội”, chị Nguyễn Thu Huệ, sống tại phố Hàng Bạc cho biết.
Theo lời chị, ít người có ý định rời phố cổ để đi nơi khác, một phần cũng vì kỳ vọng đất ở đây còn tiếp tục đắt lên. 1m2 đất tại khu vực Hàng Bông, Hàng Bè, Hàng Bạc, Cầu Gỗ… đã lên tới nửa tỉ đồng. Hiện tại, dù thị trường nhà đất ảm đạm nhiều so với trước, nhưng những mảnh “đất vàng” ở khu vực phố trung tâm quận Hoàn Kiếm chưa khi nào hết sốt.
Cũng theo chị Huệ, cách đây gần 3 năm, đã có người trả hơn 500 triệu đồng để mua 1 m2 đất tại khu vực phố Hàng Khay, vốn đang là một cửa hàng bán thiết bị số mà gia đình chị cho người khác thuê, song chị không đồng ý bán. Một thời gian sau, giá đất lên tới xấp xỉ 700 triệu đồng/m2. “Cho thuê cửa hàng, mỗi tháng chỉ được hơn chục triệu đồng, không cao, nhưng ổn định và đủ sống ở Hà Nội, thì chưa đến mức phải bán đất”, chị chia sẻ.
(Ảnh minh họa)
Theo lời tâm sự của nhiều người dân phố cổ, đề án giãn dân khu vực này đã có, song các phương án hậu giãn dân vẫn còn là nỗi mơ hồ với không ít người.
“Sau khi di dời, chúng tôi sẽ được ở đâu, làm nghề gì sinh sống, hỗ trợ ra sao… đó là những thắc mắc mà bất cứ ai cũng muốn được giải đáp, nếu chấp nhận di dời”, anh Nguyễn Công Hùng, 35 tuổi, một cư dân sống tại phố cổ cho biết.
Cũng theo ông, chỉ những người già, lớn tuổi mới mong ước được ở ngoại thành, ở xa khu vực cư dân sầm uất. “Với người trẻ như chúng tôi, xa phố cổ, không biết sẽ sống như thế nào?”, ông ngậm ngùi.