Theo một bài viết trên trang web Live Science, bà Sara McAllister, chuyên gia về hành vi và quá trình đốt cháy tại phòng thí nghiệm Khoa học Chữa cháy thành phố Missoula của Sở Lâm nghiệp quốc gia Hoa Kỳ, cho biết: Mọi người sử dụng nước để dập lửa, chủ yếu là vì nước hấp thụ nhiệt.
Lính cứu hỏa dùng nước để dập lửa.
Trên thực tế, nước không tác động trực tiếp lên lửa, mà làm suy yếu các điều kiện khiến lửa có thể cháy.
Ông Michael Gollner, chuyên gia về đốt cháy tại Đại học California, Berkeley, nói rằng, ba thành phần của lửa là nhiên liệu (chất dễ cháy), oxy và nguồn nhiệt. Chức năng của nước thực chất là làm cho các vật liệu dễ cháy (chẳng hạn như gỗ) khó duy trì quá trình đốt cháy hơn.
Michael Gollner cho biết khi gỗ cháy, nhiệt lượng của ngọn lửa sẽ làm cho các vật chất trong gỗ bay hơi thành thể khí, cung cấp nhiên liệu cho ngọn lửa. Nếu nhúng củi đang cháy vào nước, nhiệt lượng từ ngọn lửa đủ để khiến nước bốc hơi.
Vì nước có tính hấp thu nhiệt cao, nên nước bay hơi sẽ tiêu tốn rất nhiều năng lượng hoặc nhiệt lượng. Nếu ngọn lửa sử dụng nhiệt lượng của nó để làm bay hơi nước, thì nhiệt lượng để làm nóng chất dễ cháy sẽ bị giảm đi. Khi nước hấp thụ nhiệt lượng, chất dễ cháy sẽ nguội đi. Nếu ngọn lửa không thể đốt nóng vật liệu dễ cháy khiến nó bay hơi, nó sẽ không thể tự cung cấp nhiên liệu và cuối cùng sẽ tắt.
Michael Gollner cho biết, một cách khác để dập tắt đám cháy là làm ẩm mọi chất dễ cháy để ngọn lửa không lan rộng. Đây là nguyên lý hoạt động của hệ thống phun nước tự động. Nó ngăn chặn đám cháy lan rộng hơn, tạo thời gian cho lính cứu hỏa đến và dập tắt đám cháy.
Trong những trường hợp đặc biệt, nước bay hơi cũng có thể được sử dụng để dập tắt đám cháy. Ví dụ, phòng đặt máy chủ của công ty không thể phun nước, vì nước sẽ làm hỏng các thiết bị điện toán này. Thế nhưng, trong một không gian hạn chế như vậy, phương pháp gọi là “phun sương” này sẽ rất hữu ích. Bằng cách phun một lượng lớn hơi nước giống như sương vào phòng như bình xịt, nó có thể làm nguội ngọn lửa và thay thế oxy, từ đó dập tắt đám cháy.
Bà McAllister cho biết trong một số trường hợp, sử dụng nước để dập lửa không phải là một lựa chọn, đặc biệt là trong các đám cháy ở vùng đất hoang. Vì việc có đủ nước để dập lửa trong một đám cháy lớn như vậy có thể khó khăn hơn nhiều.
Chuyên gia Gollner cho biết, phi cơ trực thăng phun nước vào các đám cháy rừng không phải để dập tắt ngọn lửa, mà để trì hoãn đám cháy và tạo thêm thời gian để lực lượng cứu hỏa sử dụng các phương pháp khác để dập tắt đám cháy, chẳng hạn như loại bỏ chất dễ cháy và dùng bùn đất dập tắt ngọn lửa.
Văn phòng Phòng cháy rừng của Bộ Nội vụ Hoa Kỳ lưu ý trên trang web của mình rằng, khi nói đến việc kiểm soát các đám cháy ở vùng đất hoang, lính cứu hỏa sẽ dập tắt đám cháy bằng cách loại bỏ một trong ba thành phần của đám cháy.
Họ sẽ sử dụng máy bơm hoặc xe cứu hỏa để phun nước hoặc chất chống cháy vào đám cháy, hoặc sử dụng trực thăng, phi cơ trên không để loại bỏ các nguồn nhiệt. Họ cũng sẽ sử dụng các dụng cụ cầm tay hoặc thiết bị nặng như máy ủi để loại bỏ thảm thực vật dễ cháy nhằm loại bỏ yếu tố dễ cháy.
Văn phòng này cho biết, mức độ gia tăng của cháy rừng phụ thuộc vào thời tiết, địa hình và nhiên liệu. Vào năm 2022, có 68,988 vụ cháy rừng đã bùng phát trên khắp Hoa Kỳ. Trong năm đó, chính phủ Hoa Kỳ đã chi 649 triệu USD (gần 16 nghìn tỷ đồng) để phục vụ công tác chữa cháy, gấp nhiều lần so với số tiền 200 triệu USD (gần 5 nghìn tỷ đồng) được chi vào năm 1994.