TIN TỨC » Kiến thức

Tại sao phải đề phòng rắn cắn khi nước lũ dâng cao?

Thứ ba, 10/09/2024 18:35

Thời tiết mưa bão, ngập lụt không ít trường hợp người dân phải đối mặt với tình trạng rắn bò vào nhà, trong đó có cả loại chứa chất độc chết người.

Theo thống kê mới nhất đến trưa 10/9, bão số 3 - Yagi và mưa lớn hoàn lưu sau bão gây ra lũ lụt, sạt lở đất làm 82 người chết, 64 người mất tích, gần 50.000 nhà bị hư hỏng, thiệt hại.

Trong số rất nhiều khuyến cáo thì ngoài những công tác an toàn phòng ngừa mưa lũ thì có một điểm là: Phòng ngừa rắn cắn, tại sao vậy?

Nhiều người bị rắn cắn khi mưa lũ

Khi mưa lũ, nước dâng cao người dân cần cẩn thận phòng ngừa rắn cắn.

Lý do là bởi khi mưa lũ, do nước ngập nên rắn thường bò vào nhà dân, các đống cây, lu, khạp quanh nhà hoặc lên các bờ ruộng cao để trú ẩn. Nguy hiểm hơn, nước lũ dâng cao là môi trường sống của nhiều loài rắn độc.

Mùa mưa lũ đến cũng là lúc rắn độc tăng nhanh về số lượng và hoành hành khắp nơi. Do đó người dân cần nâng cao cảnh giác, áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Nếu vô tình chạm tay hoặc giẫm chân vào nơi rắn đang ở sẽ dễ bị rắn cắn. Nếu bị rắn độc cắn (rắn hổ, rắn lục,...) thì việc điều trị sẽ khó khăn, nhất là trong điều kiện các tuyến đường bị nước lũ chia cắt.

Rất nhiều trường hợp người dân đã phải đối mặt với tình trạng rắn bò vào nhà như:

Anh Nguyễn Văn Tùng ở Cao Bằng cho biết mấy ngày nay tại địa phương mưa kéo dài, nên xuất hiện rắn bò vào nhà. "Khi tôi đang nghỉ ngơi trên giường thì phát hiện có cái gì đó trườn qua đầu, tôi giật mình và hất ra. Sau đó mới biết là rắn".

Một trường hợp khác tại Tuyên Quang, chị Phạm Thị Nga cho biết: "Hôm trước khi mọi người đang ăn cơm ở phòng khách thì một con rắn bò vào, may bố tôi phát hiện và xử lý kịp thời. Mấy hôm trước nữa cũng thấy một con rắn nhỏ ở nhà tắm, cả nhà đều rất hoang mang".

Làm gì khi bị rắn cắn?

Tai nạn rắn cắn thường xảy ra bất ngờ, khiến nạn nhân và người thân lúng túng. Vì vậy, sau khi bị rắn cắn nạn nhân thường không kịp nhận diện để biết là rắn lành hay rắn độc... Tuy nhiên, có thể dựa vào vết cắn để phân biệt. Rắn có nọc độc thường có hai răng độc lớn (còn gọi là móc độc) và thường ở vị trí răng cửa hàm trên, vết cắn của chúng có 1 hoặc 2 vết răng. Với rắn không nọc độc, vết cắn thấy 2 hàm răng với những chấm nhỏ, có hình vòng cung và đặc biệt không có răng nanh. Cảm giác ở vết thương hơi ngứa.

Thông thường, các loại rắn không có nọc độc không gây nguy hại con người do vết thương mà chúng gây ra hầu hết không phải vết thương sâu. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp vẫn xảy ra tổn thương và nhiễm trùng từ vết do rắn không nọc độc. Ngược lại, rắn có nọc độc gây nhiều nguy hiểm đối với tính mạng con người. Người bị rắn độc cắn nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn tới trụy tim, suy đa tạng, thậm chí là tử vong.

Các bước sơ cứu đúng: - Trấn an nạn nhân và không để nạn nhân đi lại, cử động. Tốt nhất nên bất động tay, chân bị rắn cắn bằng nẹp.

- Nới lỏng quần áo của nạn nhân, tháo bỏ vòng, nhẫn ở tay, chân bị rắn cắn để tránh tình trạng phù nề, sưng tức.

- Để bộ phận có vết cắn ở vị trí ngang bằng hoặc thấp hơn vị trí của tim.

- Nếu bị nhóm rắn hổ cắn thì cần nhanh chóng buộc ở phía trên vết cắn từ 3 - 5cm để làm chậm sự xuất hiện của triệu chứng liệt.

- Nếu bị nhóm rắn lục cắn thì tuyệt đối không garo, vì như thế bệnh nhân dễ bị hoại tử ở bộ phận có vết cắn hơn.

- Rửa vết cắn bằng nước muối sinh lý, sau đó băng bó như những vết thương thông thường để tránh nhiễm trùng.

- Nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để được truyền huyết thanh kịp thời. Huyết thanh có khả năng kháng lại nọc rắn tốt trong 4 giờ đầu.

- Nếu bệnh nhân khó thở thì tiến hành hô hấp nhân tạo.

- Chú ý: Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành cũng cần được xử trí và theo dõi tại bệnh viện ít nhất trong vòng 12h đầu. Nếu chậm trễ sau 24-48h, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân không sử dụng các biện pháp: Cố gắng hút nọc độc của rắn; Trích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn; Gây điện giật, chườm đá, sử dụng hay sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo; Cố gắng bắt hoặc giết rắn… Bởi tất cả các biện pháp trên đều không mang lại hiệu quả mong muốn và chưa có cơ sở khoa học chứng minh.

Để phòng tránh rắn cắn bằng cách nào?

Để đề phòng rắn cắn vào mùa lũ, mọi người không nên đi bộ vào ban đêm trên những đoạn đường mà cặp mé đường bị nước ngập vì trời tối không thấy dễ giẫm đạp lên rắn. Khi làm vườn hay đi rừng, nên đi ủng, dày cao cổ, mặc quần áo dài, đội mũ và soi đèn pin (nếu trời tối).

Đối với những người đang sinh hoạt tại nhà, nếu muốn vệ sinh cây, chậu, vật dụng để lâu ngày thì trước tiên phải dùng thanh cây dài đẩy vật cần lấy qua một bên hoặc gõ lên vật ấy xem có rắn trú không, sau đó mới dọn dẹp. Ngoài ra để an toàn, mọi người không nên chọc phá rắn; trước khi ngủ nên giũ mùng chiếu cẩn thận đề phòng rắn bò vào giường ngủ.

Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)