TIN TỨC » Kiến thức

Tại sao Tết Đoan Ngọ mọi người thường ăn thịt vịt? Loạt công thức cho những món ngon từ vịt

Thứ ba, 20/06/2023 12:38

Thịt vịt được nhiều gia đình sử dụng trong ngày Tết Đoan Ngọ. Tuy nhiên, liệu bạn đã biết lý do vì sao?

Vì sao người Việt lại ăn thịt vịt vào ngày Tết Đoan Ngọ?

Người Việt Nam gọi Tết Đoan Ngọ là Lễ hội giết sâu bọ vì hầu hết nông dân bắt đầu giết sâu trên ruộng lúa và vườn cây ăn trái của họ. Đây còn là dịp để các thành viên trong gia đình đi làm ăn xa trở về gặp nhau, ngồi quây quần bên nhau và thưởng thức nhiều món ăn ngon truyền thống. Trong đó, các món ăn được chế biến từ thịt vịt là không thể thiếu.

Tục lệ ăn thịt vịt ngày Tết Đoan Ngọ đã có từ lâu đời. Nhiều người chia sẻ rằng miền Trung khí hậu khá khắc nghiệt, vào tháng 5 việc sử dụng thịt vịt còn có nhiều ý nghĩa khác nhau, từ việc trân trọng ngày lễ trọng đại sau tết Nguyên Đán, lẫn sức khỏe trong thời điểm nóng nực.

Vào Tết Đoan Ngọ, thịt vịt là món ăn không thể thiếu, đặc biệt là ở các tỉnh miền Trung.

Khu vực miền Trung đặc biệt là Huế có nền ẩm thực phong phú, lễ nghi và rất mực thước trong các phong tục tập quán. Đây cũng là lý do chính xuất hiện tục ăn thịt vịt vào dịp Tết Đoan Ngọ hằng năm.

Ở miền Nam, vào ngày lễ Tết Đoan Ngọ thường sử dụng chè trôi nước và các thức ăn có vị ngọt nói chung. Thế nhưng một số khu vực cũng dần chuộng việc sử dụng thịt vịt cho Tết Đoan Ngọ. Đây là nét văn hóa truyền thống trong mâm cỗ cúng được nhiều gia chủ lưu giữ đến ngày nay.

Thông thường bước vào ngày đầu tháng nhiều người kiêng ăn thịt vịt vì sợ đen đủi, tan đàn xẻ cánh. Thế nhưng, riêng dịp tết Đoan Ngọ đầu tháng 5, vịt lại là món ăn được sử dụng nhiều nhất, đặc biệt là các tỉnh miền Trung.

Mọi người quan niệm rằng: Thịt vịt mát, khi ăn vào làm cơ thể mát mẻ và tươi tắn cả năm. Người Việt cho rằng từ ngày 5/5 vịt bắt đầu bước vào mùa vì thế thịt chắc hơn thường ngày, thớ thịt dày và không bị tanh. Thế nên rất tuyệt vời nếu sử dụng thịt vịt chế biến làm các món vịt luộc, nướng trong ngày lễ diệt sâu bọ.

Một số món vịt được chế biến phổ biến trong ngày Tết Đoan Ngọ như: Vịt nấu chao, vịt nướng, vịt om sấu,... Mỗi món ăn sẽ mang đến hương vị khác biệt tuỳ theo đặc trưng của từng vùng miền và sở thích của các gia đình.

Công thức làm các món thịt vịt ngon cho ngày Tết Đoan Ngọ

Vịt nấu chao

Nguyên liệu:

- Vịt: 1 con

- Khoai môn: 5 củ to

- Chao hũ: 1 hũ lớn

- Dừa tươi: 2 trái

- Gia vị đi kèm: gừng, hành củ, sa tế, nước mắm, muối, tiêu, đường, ớt bột, bột nêm

- Rau nhúng: rau muống, rau mồng tơi, cải cay

Cách nấu:

- Vịt rửa sạch với muối và gừng, để ráo nước và chặt miếng vừa ăn, ướp vịt với 1/2 hũ chao, nước mắm, muối, đường, bột nêm, tiêu, hành củ băm nhỏ, gừng băm nhỏ, sa tế, ướp 1-2 giờ để vịt thấm vị.

- Phi thơm dầu ăn với hành củ băm nhỏ, thêm ớt tạo màu, cho vịt vào xào săn lại, thêm nước dừa tươi và đun sôi 20 phút, sau đó cho khoai môn cắt miếng vào đun tiếp đến khi khoai chín mềm, nêm nếm lại cho vừa ăn.

- Làm sốt chao chấm vịt: gồm chao nghiền tan nát, thêm ít sa tế, tỏi băm, đường, xíu nước lọc, đánh đều là được.

- Nước mắm gừng: gồm tỏi, gừng, ớt tươi giã nát, 3 thìa cơm nước mắm, 1 thìa cơm nước lọc, 1 thìa cơm đường, 1 thìa cơm nước cốt chanh.

- Vịt nấu chao khi ăn sẽ nhúng kèm với các loại rau và bún.

Vịt om sấu

Nguyên liệu:

- Vịt làm sạch: 1,4kg

- 1 quả dừa tươi

- 500g khoai sọ (hoặc khoai môn củ to xong cắt miếng)

- 10 – 12 quả sấu bánh tẻ

- Hành tím, tỏi, gừng, chanh, nấm hương

- Gia vị nêm: nước mắm, hạt tiêu, hạt nêm, dầu hào, dầu mè, đường

- Đồ ăn kèm: rau muống, hành lá, mùi tàu, ngổ, bún, đậu phụ

Cách làm:

- Vịt mua về làm sạch, khử mùi hôi với rượu, gừng, muối rồi để ráo. Chặt miếng vừa ăn, to khoảng bằng bao diêm, không quá nhỏ vì tý om miếng thịt sẽ bị nhỏ lại.

- Ướp thịt vịt cùng với ít nước mắm, hạt tiêu, hạt nêm (có hoặc không đều được), dầu hào (ít thôi), dầu mè (2-3 giọt) cùng ít hành, tỏi, sả, băm nhỏ. Ướp khoảng 1 tiếng.

- Ngâm khoảng 20 - 25 nấm hương với nước khoảng 10 phút, rửa sạch, cắt chân.

- Phi thơm sả (1 củ đập dập, thái dài) cùng hành tỏi băm nhỏ, cho thịt vào đảo săn.

Cho nước dừa (thiếu thì cho thêm nước lọc), nấm hương, sấu vào, nấu sôi hầm khoảng 30 - 40 phút thì cho khoai sọ vào nấu tiếp khoảng 7-10 phút, nấu lâu khoai sẽ bị nát. Vớt sấu ra dằm nát. Nêm nếm gia vị vừa ăn.

- Cho ít mùi tàu, hành lá thái vào cho thơm.

Vịt nướng giả cầy

Nguyên liệu:

- 1 con vịt xiêm

- Riềng, sả, ớt, tỏi, hành tím

- Mắm tôm

- Mẻ

- Rau thơm, lá mơ ăn kèm

- Gia vị: mắm, đường, hạt nêm, bột nghệ

Cách làm:

- Vịt rửa sạch, khò cho vàng lớp da bên ngoài để tạo mùi thơm.

- Lóc hết xương, lấy thịt ướp với gia vị gồm có riềng, sả, ớt, hành tỏi xay nhuyễn cùng với mắm tôm, mẻ, mắm, đường, hạt nêm, bột nghệ.

- Ướp trong 30 phút -1 tiếng rồi cho vào nồi chiên không dầu set nhiệt độ 180 độ trong 30 phút, có thể thêm 10 phút nhiệt 220 độ để da vàng hơn.

- Nước chấm: trộn đều sả xắt mỏng, mắm tôm, đường, ớt, và nước cốt tắc.

- Vịt chín xắt miếng vừa ăn, ăn kèm với nước chấm từ mắm tôm và rau thơm, lá mơ.

Thùy Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới