TIN TỨC » Kiến thức

Tại sao Tết Trung thu lại phải đi rước đèn? Ý nghĩa của đèn ông sao trong ngày Tết Trung thu

Chủ nhật, 24/09/2023 21:13

Rước đèn Trung thu, rước đèn ông sao, rước đèn tháng 8... là một trong những phong tục rất hay của người Việt vào dịp Tết Trung thu. Vậy tại sao Tết Trung thu lại phải đi rước đèn?

Trung thu là gì?

Trung thu là giữa mùa thu. Tết Trung thu như tên gọi rơi vào Rằm (ngày 15) tháng Tám âm lịch. Từ xưa, đây được xem là ngày lành, tháng tốt để tiên đoán mùa màng và cũng là dịp Tết vui chơi của trẻ nhỏ.

Theo đó, người xưa luôn cho rằng có mối liên hệ giữa cuộc đời và vầng trăng. Trăng tròn và trăng khuyết, niềm vui nỗi buồn, sự đoàn tụ, sum họp hay chia ly. Cũng từ đó trăng tròn là biểu tượng của sum họp và Tết Trung thu cũng được gọi là Tết Đoàn viên.

Tết trung thu có từ bao giờ?

Theo các nhà khảo cổ học, Tết Trung thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê - Trịnh thì Tết Trung thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa.

Cũng có rất nhiều những truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian về nguồn gốc ra đời của ngày Tết Trung thu như: Chuyện nhà vua dạo chơi cung trăng vào Rằm tháng Tám, sự tích chị Hằng Nga, sự tích chú Cuội, sự tích Thỏ Ngọc…

Đồ chơi trẻ em trong Tết Trung thu là các thứ bồi bằng giấy như bươm bướm, bọ ngựa, voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm, cá,... Trẻ em buổi tối đêm trung thu, dắt díu nhau kéo co, bắt cái hồ khoan, rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la

Không chỉ ở Việt Nam, Trung Thu còn là ngày lễ của các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc...

Vào ngày rằm Trung thu, các bạn nhỏ được phá cỗ, đi rước đèn ông sao, xem múa lân.

Tại sao Trung thu lại rước đèn?

Theo Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục, tục treo đèn bày cỗ do điển xưa về việc vua Đường Minh Hoàng. Vào ngày sinh nhật vua Đường Minh Hoàng, truyền cho thiên hạ đâu đâu cũng treo đèn và bày tiệc ăn mừng, từ đó thành tục

Tục rước đèn có từ đời nhà Tống, do tục truyền rằng: Trong đời vua Tống Nhân Tông, có con cá chép thành yêu, cứ đêm trăng hiện lên biến thành con gái để đi hại người. Bấy giờ có viên quan Bao Công mới hạ lệnh cho dân gian làm đèn con cá giống như hình của nó rồi đem mang ra chơi ngoài đường để cho nó sợ mà không dám hại người.

Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát Trống Quân và treo đèn kéo quân trong dịp Tết Trung Thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba "thình, thùng, thình".

Ý nghĩa của tục rước đèn trong tết Trung thu?

Tết Trung thu không thể thiếu đi hình ảnh chiếc đèn lồng nhiều màu sắc sáng rực rỡ dưới ánh trăng vàng. Đối với người dân Trung Hoa, đèn lồng được treo trước cửa nhà và tượng trưng cho sự may mắn bình an. Một số lại được làm thành dạng đèn hoa đăng, sau khi ghi những ước nguyện vào thì thả trôi bờ sông mang lời cầu nguyện đi xa.

Còn đối với người Việt, đèn lồng Trung thu được làm cho trẻ em chơi Trung thu là chính. Những chiếc đèn với vô số hình dáng từ bông hóa, cá, gấu…vô cùng xinh đẹp sáng rực đêm trung thu. Đèn lồng Việt Nam làm thủ công từ tre và giấy gió, tô vẽ bên ngoài đèn là những nét vẽ đường thêu vô cùng đặc sắc. Đèn lồng của người Việt Nam là sự biểu hiện của ấm no và hạnh phúc gia đình.

Thùy Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới