Trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa", Gia Cát Lượng nói: “Ta vốn biết phép dâng sao giải hạn mà xin kéo dài dương thọ, nhưng chưa biết lòng trời làm sao. Ngươi hãy dẫn bốn mươi chín tên giáp sĩ, cầm cờ thâm, mặc áo thâm, đứng vòng quanh ngoài trướng, ta ở trong cầu đảo sao bắc đẩu. Nếu như trong bảy ngày, ngọn đèn chủ không tắt, thì ta sống lâu thêm được một kỷ nữa. Nếu đèn tắt, ta không thọ được. Phàm các người tạp nhạp, không được cho vào. Những đồ gì ta cần dùng đến, cứ sai hai đứa tiểu đồng trang biện là đủ".
Gia Cát Lượng lập đàn "thất tinh đăng" dâng sao giải hạn mong xin kéo dài dương thọ.
Một người am hiểu huyền học như Gia Cát Lượng đã sớm tính được rằng vận hạn của mình đang đến gần, chỉ hận chưa hoàn thành nguyện vọng phục hưng Hán thất. Bởi vậy, ông lập đàn "thất tinh đăng" dâng sao giải hạn mong kéo dài dương thọ, nếu thành công thì có thể sống thêm. Nhưng vì một sự cố ngoài ý muốn lại bị Ngụy Diên vô tình đạp tắt ngọn minh đăng, khiến cho việc dâng sao giải hạn, mượn tuổi trời của Gia Cát Lượng bất thành. Ngay khi đèn chính vụt tắt, Gia Cát Lượng phun ra một ngụm máu rồi ngã xuống đất bất tỉnh.
Khi mở mắt ra lần nữa, Gia Cát Lượng đột nhiên hét lên: "Bàng Đức Công cứu ta!”. Điều này cũng làm cạn kiệt sức lực cuối cùng của ông. Nhìn thấy điều này, nhiều người có chút tò mò, Bàng Đức Công mà Gia Cát Lượng nhắc đến là ai? Hắn thật sự có năng lực cứu Gia Cát Lượng sao?
Trước khi chết, Gia Cát Lượng đột nhiên hét lên: "Bàng Đức Công cứu ta!”.
Trên thực tế, Bàng Đức là một nhân vật rất bí ẩn trong thời Tam Quốc, có phần giống với danh sĩ Tư Mã Huy (hiệu Thủy Kính, hay còn được gọi là Thủy Kính tiên sinh). Khi Lưu Bị hội kiến Tư Mã Huy, ông đã tiến cử hai nhân tài cho Lưu Bị. Đó là Gia Cát Lượng và Bàng Thống. Theo "Tam Quốc diễn nghĩa", Tư Mã Huy xuất hiện khá ngắn, nhưng những câu nói của nhân vật này đủ để cho thấy khả năng nhìn nhận thời cuộc và tài năng hàng đầu thiên hạ của ông. Khi Lưu Bị hỏi trong thiên hạ liệu ai có thể đứng ra giúp đời, Tư Mã Huy đã nói một câu: "Ngọa Long, Phượng Sồ, được một trong hai có thể an định thiên hạ". Ngọa Long, Phượng Sồ trong câu nói trên chính là Gia Cát Lượng và Bàng Thống.
Bàng Đức Công cũng là một trong những cao nhân cực kỳ tài năng nhưng lại sống ẩn dật, không màng danh lợi.
Căn cứ sử sách ghi lại, Bàng Đức Công là người Kinh Châu, ngày sinh năm mất cũng không ghi chép. Chính vì thế nhiều người không biết về ông. Tuy nhiên, vào thời điểm đó Tư Mã Huy đã gọi ông Bàng Đức là "Bàng Công", điều này cho thấy Bàng Đức lớn hơn Tư Mã Huy nhiều tuổi. Về mối quan hệ giữa Bàng Đức Công và Gia Cát Lượng. Trên thực tế, con trai của Bàng Đức là chồng của chị gái Gia Cát Lượng, vì vậy có thể gọi họ là "mối quan hệ gia đình".
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Gia Cát Lượng và Bàng Đức không chỉ có vậy, hai người có mối quan hệ thân thiết, vừa là thầy vừa là bạn. Ai cũng biết Gia Cát Lượng tài giỏi. Trên thực tế, những kỹ năng và chiến lược quân sự của Gia Cát Lượng đều bắt nguồn từ sự chỉ bảo của Bàng Đức.
Bàng Đức Công là người có tầm ảnh hưởng lớn đến Gia Cát Lượng và Bàng Thống.
Theo "Tam quốc chí", mỗi lần Gia Cát Lượng xin ý kiến của Bàng Đức, ông đều quỳ trước giường. Từ điều đó có thể thấy, Gia Cát Lượng rất kính trọng Bàng Đức Công, đồng thời Bàng Đức cũng rất coi trọng Gia Cát Lượng, thậm chí còn gọi ông là "Ngọa Long". Có thể nói, trong lòng Gia Cát Lượng, Bàng Đức Công là một ẩn sĩ khó lường.
"Đèn thất tinh đăng" mà Gia Cát Lượng sử dụng trước khi qua đời là do Lưu Bị chỉ cho ông, phương pháp kéo dài tuổi thọ này được tạo ra bởi Bàng Đức. Lúc xưa, Lưu Bị coi trọng tài năng của Bàng Đức nên đã yêu cầu ông ra khỏi núi để giúp đỡ mình, thậm chí Trương Phi còn đốt cháy túp lều tranh của Bàng Đức để ép buộc ông. Sau khi ngọn lửa được dập tắt, ngôi nhà tranh cũng bị thiêu rụi. Mọi người thấy ông Bàng Đức nằm trên giường đá, bất động. Ai cũng nghĩ rằng ông đã bị ngọn lửa thiêu chết. Khi Gia Cát Lượng tiến lên kiểm tra, Bàng Đức đột nhiên ngồi dậy khiến ông vô cùng sửng sốt, còn tưởng rằng đó là một xác chết giả.
Sau đó, Bàng Đức nhổ ra bảy hạt gạo từ miệng, cười vui vẻ và rời đi. Bàng Đức sử dụng kỹ thuật kéo dài tuổi thọ và đã thành công. Vì vậy, khi Gia Cát Lượng lâm trọng bệnh, ông cũng nghĩ đến phương pháp kéo dài tuổi thọ này và muốn thử.
Bàng Đức Công chính là người đã tôn xưng Gia Cát Lượng là "Ngọa Long", Bàng Thống là "Phượng Sồ" và Tư Mã Huy là "Thủy Kính".
Nhưng Gia Cát Lượng không may mắn như vậy, cuối cùng vẫn thất bại. Có người cho rằng Gia Cát Lượng thất bại là do hạt gạo rơi khỏi miệng, có người lại cho rằng do Ngụy Diên đạp đổ đèn chính. Cho dù lý do là gì, điều đó có nghĩa là thuật kéo dài tuổi thọ của Gia Cát Lượng đã thất bại.
Trước khi chết, Gia Cát Lượng đã hét lên "Bàng Đức Công cứu tôi". Đoạn này được hư cấu trong tiểu thuyết tuy không có ghi chép liên quan nhưng không phải là không có cơ sở. Bởi vì Bàng Đức Công có ảnh hưởng rất lớn đến Gia Cát Lượng trong những năm đầu đời.
Bàng Đức Công sống ẩn dật ở vùng Tương Dương và có quan hệ tốt với những người nổi tiếng như Tử Thứ, Tư Mã Huy, Gia Cát Lượng, Bàng Thống. Bàng Đức Công có ảnh hưởng lớn đến Gia Cát Lượng, Bàng Thống và những người khác trong những năm đầu của họ và rất được kính trọng. Theo "Tam Quốc chí chú" của Bùi Tùng Chi, Bàng Đức Công chính là người đã tôn xưng Gia Cát Lượng là "Ngọa Long", Bàng Thống là "Phượng Sồ" và Tư Mã Huy là "Thủy Kính".
Theo ghi chép, Bàng Đức Công và Bàng Thống có quan hệ là chú cháu. Khi đó ở Kinh Châu có rất nhiều người nổi tiếng như Tư Mã Huy, Gia Cát Lượng, Bàng Thống và những người khác, nhưng thứ sử Kinh Châu Lưu Biểu không thích ai trong số họ mà chỉ thích Bàng Đức Công. Lưu Biểu có ý định thu phục Bàng Đức Công nhưng bị người này từ chối. Lưu Biểu không bỏ cuộc và đích thân đến thăm Bàng Đức Công. Tuy nhiên, ông vẫn không thuyết phục được Bàng Đức Công đến giúp đỡ. Sau khi thảo luận chi tiết không có kết quả, Lưu Biểu chỉ có thể thở dài rồi rời đi. Về sau, Bàng Đức Công đưa vợ con lên ở ẩn trên núi Lộc Môn. Người đời từ đó cũng không gặp lại ông nữa. Bàng Đức Công rất giỏi, nhưng lại thờ ơ với danh lợi. Ngay cả tung tích cuối cùng của ông cũng không rõ.