Nghi thức này đã có từ thời đấng Thế Tôn còn tại thế cho đến nay và được thực hành ở mọi quốc gia có đạo Phật từ phương Đông đến phương Tây. Vậy tại sao xuất gia lại phải cạo tóc?
Cạo trọc tóc là nghi thức quan trọng trong việc xuất gia theo đạo
Phật thoại kể rằng vào thời Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, đệ tử của Ngài là A-Nan một ngày nọ ra phố, gặp một phụ nữ yêu kiều đang cầm một bó hoa, A-Nan muốn quyên bó hoa về dâng Phật. Người phụ nữ ấy ra điều kiện phải lấy cô làm vợ thì mới tặng bó hoa. A- Nan cho rằng đó chỉ là câu bông đùa nên nhận lời, không ngờ chiều hôm đó người phụ nữ ấy tìm đến tu viện để nhận chồng. Ngài A- Nan hoảng hốt, liền nghĩ ra kế “cạo trọc đầu”, làm cho hình thái diện mạo đổi khác, khiến cô gái không còn nhận ra Ngài nữa, nhờ đó mà thoát nạn. Từ đó, đức Phật ra giới luật: tất cả những người xuất gia tu hành theo đạo Phật đều phải cạo trọc đầu.
Đại đức Thích Trung Hiếu: Khi một người phát tâm xuất gia không đơn thuần là xuất ra khỏi ngôi nhà thế tục mà là xuất cái phiền não ra khỏi cơ thể mình. Râu, tóc là tượng trưng cho phiền não của con người. Khi người ta thức đêm hôm suy nghĩ thì râu tóc hay mọc dài ra. Vì vậy, khi xuất gia, cạo đi râu tóc là chúng ta gạt bỏ phiền não, cao hơn nữa là xuất ra khỏi ngôi nhà của tam giới, đạt được liễu sinh thoát tử.
Trong suốt cuộc đời tu hành, việc cạo tóc còn phải tuân theo một số quy định
Trong các Kinh sách như kinh Nikaya, Kinh A Hàm đều có kể rằng, khi thái tử Tất Đạt Đa từ bỏ ngai vàng để xuất gia, Ngài ra khỏi thành Ca Tỳ La Vệ rồi vượt sông A Nô Ma, đến bờ bên kia, Ngài tự cắt bỏ râu tóc, mặc áo cà sa, trở thành một tu sĩ không nhà. Luật Đại trí độ cũng có đoạn ghi: “Cạo tóc, mặc áo nhuộm, ôm bát khất thực; đó là pháp phá trừ phiền não”. Thêm vào đó, việc cạo tóc còn nhằm loại bỏ trang sức, vẻ đẹp bên ngoài, loại bỏ các ký sinh trùng.
Không những vậy, trong suốt cuộc đời tu hành, việc cạo tóc còn phải tuân theo một số quy định như “Tỳ kheo phải cạo bỏ râu tóc, không được để dài quá hai ngón tay, hai tháng phải cạo một lần” – trích Luật Tứ phần 51; hay “Tỳ kheo Ni, Thức xoa ma na, Sa di Ni mỗi nửa tháng phải cạo tóc một lần” – trích Luật Ngũ phần 14. Với ý nghĩa phá trừ phiền não, cạo trọc tóc được coi là một nghi thức thiêng liêng, đánh dấu sự thay đổi đột phá trong tâm thức của một con người nguyện toàn tâm ý xuất thế tục gia.