TIN TỨC » Kiến thức

Tài xế gộp bằng lái, khi bị tước giấy phép điều khiển ô tô còn được đi xe máy không?

Thứ bảy, 18/01/2025 08:44

Nhiều người gộp bằng lái xe máy, ô tô vào cùng 1 thẻ. Vậy trong trường hợp tài xế vi phạm luật giao thông, bị tước bằng lái ô tô thì có thể đi xe máy không đó là điều nhiều người thắc mắc.

Đang bị tạm giữ giấy phép lái xe có được lái xe không?

Theo khoản 2 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định:

Khi bị tạm giữ giấy tờ theo quy định tại khoản 6 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ.

(Ảnh minh họa)

Theo đó, khoản 6 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:

- Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: Giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt.

- Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 10 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

Như vậy, nếu đang bị tạm giữ giấy phép lái xe thì vẫn được lái xe tham gia giao thông, tuy nhiên nếu quá thời hạn mà người vi phạm không giải quyết vụ việc vi phạm theo quy định thì lúc này sẽ không được lái xe nữa. Lúc này, người vi phạm vẫn lái xe thì sẽ bị xử phạt như không có giấy tờ.

Đồng thời, cần lưu ý phân biệt tạm giữ giấy phép lái xe và tước giấy phép lái xe. Bởi lẽ, nếu bị tước giấy phép lái xe thì sẽ không được lái xe đó nữa.

Bị tước giấy phép lái xe sẽ không được lái xe

Theo khoản 1 Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 về tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn:

- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

- Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Như vậy, trong thời gian bị tước giấy phép lái xe sẽ không được lái xe tham gia giao thông.

Gộp bằng lái, khi bị tước giấy phép điều khiển ô tô còn được đi xe máy?

Có 2 loại giấy phép lái xe là giấy phép lái xe tích hợp và giấy phép lái xe riêng lẻ. (Ảnh minh họa)

Theo quy định, có 2 loại giấy phép lái xe là giấy phép lái xe tích hợp và giấy phép lái xe riêng lẻ. Trong đó, giấy phép lái xe tích hợp là loại giấy phép gộp 2 hay nhiều giấy phép lái xe không thời hạn chung với giấy phép lái xe có thời hạn.

Tại Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT quy định, không bắt buộc người dân phải tích hợp giấy phép lái xe máy với bằng lái ô tô. Việc tích hợp hay tách ra hoàn toàn do người dân quyết định.

Tại Khoản 4, Điều 4 Thông tư 37/2017 của Bộ GTVT quy định mẫu biên bản, mẫu quyết định sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, trường hợp người vi phạm hành chính có giấy phép lái xe tích hợp, bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, thì người có thẩm quyền quyết định xử phạt phải ghi rõ trong quyết định, xử phạt vi phạm hành chính các hạng xe được phép điều khiển theo giấy phép lái xe và áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn hoặc giấy phép lái xe không thời hạn đối với loại xe đã sử dụng khi thực hiện hành vi vi phạm.

Người vi phạm hành chính được quyền điều khiển những loại xe còn lại được ghi trong giấy phép lái xe.

Theo đó, trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan chức năng sẽ ghi rõ là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe ô tô trong giấy phép lái xe tích hợp. Do đó, tài xế vẫn có thể điều khiển xe máy nếu không có quyết định tước giấy phép đối với loại này.

Khi điều khiển xe máy, tài xế cần mang theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên hoặc các giấy tờ khác có các thông tin này để tiện việc lưu thông và khi bị kiểm tra giấy tờ.

Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới