TIN TỨC » Kiến thức

Tên gọi tỉnh nào của Việt Nam có nghĩa là 'xứ cá'?

Thứ bảy, 21/09/2024 11:59

Theo tiếng đồng bào Khmer, tên tỉnh này nghĩa là “xứ cá”, do ở đây có vô số loài cá sinh sống.

Đáp án chính là tỉnh Bến Tre, địa danh nằm ở hạ lưu sông Mekong, giáp biển Đông. Bến Tre trong tiếng Khmer gọi là “Srok Trey”, với “Srok” đồng nghĩa “xứ, vùng”, Trey nghĩa là “cá”, do vùng này nổi tiếng vì nhiều loại cá sinh sống. Ngoài ra, tỉnh cũng có nhiều địa danh khác liên quan đến cá như cầu Cá Lóc, cầu Cá Trê, Cái Bông (một loại cá lóc thân có hoa văn)…

Một số tài liệu của người Pháp cho rằng tên gọi Bến Tre liên quan đến việc tỉnh trồng nhiều tre. Tuy nhiên, thống kê cho thấy diện tích trồng tre tại địa phương này khá thấp. Dừa mới là thực vật biểu tượng của tỉnh. Năm 1960, diện tích trồng dừa tại Bến Tre chiếm gần 50% toàn miền Tây Nam Bộ nên tỉnh có biệt danh khác là “xứ dừa”.

Bến Tre

Bến Tre là một trong 13 tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên là 2.394 km2, được hình thành bởi cù lao An Hoá, cù lao Bảo, cù lao Minh, và do phù sa của 4 nhánh sông Cửu Long bồi tụ mà thành (gồm sông Tiền dài 83 km, sông Ba Lai 59 km, sông Hàm Luông 71 km, sông Cổ Chiên 82 km).

Tỉnh Bến Tre hiện có 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm Thành phố Bến Tre và 8 huyện: Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Bình Đại, Ba Tri, Thạch Phú. Trong đó có với 164 đơn vị hành chính cấp xã, gồm có 7 thị trấn, 10 phường và 147 xã. Dân số Bến Tre là 1.298.010 người tính đến năm 2022 theo ước tính trung bình của Tổng cục Thống kê Việt Nam, đứng thứ 28 cả nước.

Không chỉ có nghĩa là "xứ cá", Bến Tre còn nổi tiếng là "xứ dừa"

Địa hình của Bến Tre bằng phẳng, rải rác những giồng cát xen kẽ với ruộng, vườn, không có rừng cây lớn, chỉ có một số rừng chồi và những dải rừng ngập mặn ở ven biển và các cửa sông. Phía Bắc tỉnh giáp tỉnh Tiền Giang, có ranh giới chung là sông Tiền, phía nam giáp tỉnh Trà Vinh, phía tây giáp tỉnh Vĩnh Long, có ranh giới chung là sông Cổ Chiên, phía đông giáp biển Đông, với chiều dài bờ biển là 65 km.

Cảnh đẹp Bến Tre

Trên địa bàn tỉnh có 4 con sông lớn chảy qua là sông Tiền Giang, sông Ba Lai, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên đổ ra biển qua 4 (cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên). Bến Tre có hệ thống kênh rạch chằng chịt khoảng 6.000 km đan xen và chia Bến Tre thành ba cù lao là An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh, tạo thành một lợi thế trong phát triển giao thông thuỷ, hệ thống thuỷ lợi, phát triển kinh tế biển, kinh tế vườn, trao đổi hàng hoá với các tỉnh lân cận. Hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh gồm 2 tuyến Quốc lộ, 6 tuyến đường tỉnh lộ và 42 tuyến đường huyện là điều kiện giúp cho những tiềm năng kinh tế - văn hoá - xã hội của Bến Tre được phát triển mạnh mẽ.​​

Hoàng Mai (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới