TIN TỨC » Kiến thức

Tết Đoan Ngọ thường ăn thịt vịt, nhưng có nên dâng thịt vịt lên ban thờ thắp hương?

Chủ nhật, 09/06/2024 11:41

Dịp Tết Đoan Ngọ, thịt vịt trở thành món ăn chính nên có nhiều gia đình cũng bày vịt ở mâm cỗ cúng cùng với bánh, hoa quả, cơm rượu nhưng không phổ biến.

Tại một số địa phương, ăn thịt vịt dịp tết Đoan Ngọ gần như đã thành lệ. Tết Đoan Ngọ là dịp cúng để xua đuổi tà ma, trừ ta, trừ dịch bệnh sâu bọ, côn trùng phá hoại mùa màng. Tết Đoan Ngọ là lúc bắt đầu nắng nóng cao điểm. Đoan tức là bắt đầu, Ngọ là khung giờ 11-13h tức giờ nóng nhất trong ngày.

Cúng Tết Đoan Ngọ thường có những món có tính thanh nhiệt, trừ côn trùng như cơm rượu, hoa quả, bánh tro, bánh ít, trôi nước...

Thịt vịt thường được nhiều gia đình ăn vào dịp tết Đoan Ngọ.

Trong dịp Tết Đoan Ngọ, vịt lại trở thành một món ăn nổi bật. Dù thông thường thịt vịt hay bị kiêng ăn đầu tháng và chúng không phải là một món ăn được dùng thắp hương gia tiên thần linh như gà. Thế nhưng cứ đến 5/5 thì rất nhiều nơi ăn thịt vịt.

Vịt là loại thịt gia cầm phổ biến, nhiều dinh dưỡng. Thịt vịt ăn vào Tết Đoan Ngọ có nhiều ý nghĩa. Đây là lúc thời tiết nắng nóng dễ sinh bệnh hen suyễn, ốm đau, mụn nhọt, nóng trong người. Ăn thit vịt giúp thanh nhiệt mang lại sức khỏe tốt. Hơn nữa trong tiếng Hán, vịt đọc là áp nghĩa là trấn áp ma quỷ, tà khí. Bởi thế ăn thịt vịt Tết Đoan Ngọ có ý nghĩa trừ tà, trừ bệnh, mong may mắn khỏe mạnh. Dịp Tết Đoan Ngọ cũng là lúc thu hoạch lúa xong thì vịt già, thịt vịt ngon. Thế nên vịt trở thành món ăn phổ biến dịp Tết Đoan Ngọ.

Trong văn hóa tâm linh người Việt, món thịt dâng cúng phổ biến là gà và lợn. Thịt vịt, ngan, chó, trâu, bò không được dâng cúng vì chúng thường nặng mùi. Hơn nữa ý nghĩa dáng hình loài vịt lạch bạch không dũng khí như gà. Bởi vậy người xưa không dâng vịt lên ban thờ thần linh và gia tiên.

Dịp Tết Đoan Ngọ, thịt vịt trở thành món ăn chính nên có nhiều gia đình cũng bày vịt ở mâm cỗ cúng cùng với bánh tro, hoa quả, cơm rượu nhưng không phổ biến. Nhiều gia đình vẫn kiêng không đặt thịt vịt lên ban thờ vì sợ mùi của chúng làm phạm phong thủy.

* Thông tin trong bài mang tính tham khảo

Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới