Nguồn gốc Tết ông Công ông Táo
Táo quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được người Việt cổ chuyển hóa thành sự tích “Hai ông một bà” - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Và người dân quen gọi chung là Táo quân hoặc ông Táo.
Theo truyền thuyết, Thị Nhi có chồng là Trọng Cao. Tuy hai người có tình cảm mặn nồng nhưng mãi không có con nên thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Một lần Trọng Cao gây sự đánh Thị Nhi và đuổi đi.
Thị Nhi không có chốn ở, lang thang đến xứ khác và gặp được Phạm Lang. Hai người phải lòng rồi thành vợ chồng. Sau đó, Trọng Cao ân hận đi tìm vợ. Sau nhiều ngày tìm kiếm, tiền hết, gạo hết, ông phải đi ăn xin.
Tình cờ, ông lại ăn xin đúng nhà Thị Nhi. Nhận ra chồng cũ, đúng lúc Phạm Lang đi vắng nên Thị Nhi đã mời Trọng Cao vào nhà, nấu cơm cho ăn. Thấy Phạm Lang đi làm về, sợ chồng nghi ngờ nên Thị Nhi giấu Trọng Cao trong đống rơm.
Đêm đó, Phạm Lang nổi lửa đốt đống rơm lấy tro bón ruộng. Thấy lửa cháy, Thị Nhi hoảng hốt lao vào cứu chồng cũ. Thấy vợ mình nhảy vào đống lửa, Phạm Lang thương vợ nên cũng nhảy theo khiến cả 3 người cùng chết trong đống lửa.
Cảm động trước tình cảm của 3 người, Ngọc Hoàng đã phong cho họ làm vua bếp hay còn gọi là Định phúc Táo quân.
Người chồng mới làm Thổ công trông coi việc trong bếp. Người chồng cũ làm Thổ địa trông coi việc trong nhà. Còn người vợ làm Thổ kỳ trông coi việc chợ búa.
Không chỉ định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ, các vị Táo quân còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.
Ý nghĩa tục cúng ông Công ông Táo
Không chỉ định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ, các vị Táo quân được cho là còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà. Hằng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân lên chầu trời báo cáo tất cả việc làm tốt, xấu của con người trong năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh.
Với mong muốn thần Bếp phù hộ cho gia đình mình được nhiều may mắn, người Việt thường làm lễ tiễn đưa Táo quân chầu trời một cách long trọng.
Phong tục cúng ông Công ông Táo mang ý nghĩa cầu mong cho sự ấm no, đầy đủ, sau đó mới đến ý nghĩa thờ thần Bếp chuyên cai quản việc bếp núc. Mâm cơm cúng vừa để bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần, vừa là để mọi người trong gia đình sum họp, quây quần sau một năm làm ăn vất vả.
Đặc biệt trong lễ cúng ông Công ông Táo, người Việt thường chuẩn bị thêm cá chép (thường là 3 con) đựng trong chậu nước. Cá chép là phương tiện để ông Táo cưỡi về trời. Sau khi cúng lễ xong, các gia đình đem cá ra sông hay ra ao để thả.
Việc thả cá chép có ngụ ý "cá vượt vũ môn" hay "cá chép hóa rồng". Cá chép mang ý nghĩa biểu tượng cho sự thăng hoa, tinh thần vượt khó, sự kiên trì và bền bỉ để đi tới thành công.
Tết ông Công ông Táo 2025 là ngày nào Dương lịch?
Theo lịch vạn niên, Tết ông Công ông Táo 2025 - ngày 23 tháng Chạp - sẽ rơi vào thứ Tư ngày 22/1 Dương lịch. Đây là thời điểm mà không khí Tết Nguyên đán đã rất nhộn nhịp, các gia đình chuẩn bị mua sắm, trang trí nhà cửa để đón Tết cổ truyền.
Trong ngày Tết ông Công ông Táo, các gia đình thường sửa soạn mâm cỗ cúng để tiễn Táo quân về trời. Mâm cỗ thường gồm các món ăn truyền thống như xôi, gà luộc, bánh chưng, hoa, quả và đặc biệt là cá chép sống. Việc phóng sinh cá chép mang ý nghĩa giúp ông Táo có phương tiện về trời, đồng thời thể hiện sự phóng khoáng, cầu mong điều tốt lành cho gia đình trong năm mới.
Tết ông Công ông Táo là dịp để mỗi gia đình nhìn lại một năm đã qua và chuẩn bị đón chào những điều tốt đẹp của năm mới đang đến gần. Vì vậy, dù bận rộn đến đâu, người Việt vẫn luôn cố gắng duy trì ngày lễ này như một truyền thống đáng trân quý.
Ngày đẹp, giờ vàng cúng ông Công ông Táo năm 2025:
Ngày 19 tháng Chạp (19/12/2024 âm lịch, nhằm 18/1/2025 dương lịch) khởi lễ từ 7h10 đến 8h50. Ngày này hợp các tuổi Tý, Ngọ, Mão, Dậu, Dần, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
Ngày 20 tháng Chạp (20/12/2024 âm lịch, nhằm 19/1/2025 dương lịch) khởi lễ từ 5h10 đến 6h50. Ngày này hợp các tuổi Dần, Thân, Tỵ, Hợi, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
Ngày 21 tháng Chạp (21/12/2024 âm lịch, nhằm 20/1/2025 dương lịch) khởi lễ từ 7h10 đến 8h50. Ngày này hợp các tuổi Tý, Ngọ, Mão, Dậu, Dần, Thân, Tỵ, Hợi.
Ngày 22 tháng Chạp (22/12/2024 âm lịch, nhằm 21/1/2025 dương lịch) khởi lễ từ 7h10 đến 8h50. Ngày này hợp các tuổi Tý, Ngọ, Mão, Dậu, Hợi, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
Ngày 23 tháng Chạp (23/12/2024 âm lịch, nhằm 22/1/2025 dương lịch) khởi lễ từ 5h10 đến 6h50. Ngày này hợp các tuổi Dần, Thân, Tỵ, Hợi, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
(*)Thông tin trong bài mang tính tham khảo.