Trước khi lên thành phố, Thủ Đức là nơi có lịch sử lâu đời. Ông Tạ Minh Dương, còn gọi là Tạ Huy, là người có công khai hoang, lập ấp tại vùng Thủ Đức từ khoảng những năm 1679-1725. Tên địa danh “Thủ Đức” được người dân lấy từ tên hiệu của ông Tạ Minh Dương, để tri ân, ghi nhớ công lao của ông đối với vùng đất này.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Công Hoài Lương cho biết, vùng đất Thủ Đức vốn là nơi có truyền thống lịch sử lâu đời nếu tính từ thời điểm khai lập, đã trải qua hơn 300 năm. Từ lúc vào khai khẩn đất hoang, ông Tạ Huy đã có ý thức xây dựng tại đây một ngôi chợ lớn, đặt là chợ Thủ Đức nằm ở vị trí thuận tiện giao thương, sau đó đã nhanh chóng trở thành một trong những ngôi chợ lớn sầm uất của thành phố Sài Gòn lúc bấy giờ.
Thành phố Thủ Đức là một nơi sầm uất của thành phố Hồ Chí Minh
Năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM. Theo đó, TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức.
Ngay sau khi thành lập, TP Thủ Đức có quy mô của một đô thị hoàn chỉnh, với diện tích 211km2, dân số hơn một triệu người và có vị trí địa kinh tế hết sức đặc biệt khi tiếp giáp với khu vực 6 thành phố lân cận, bao gồm TP Thuận An, TP Dĩ An, TP mới Bình Dương, TP Biên Hòa và khu vực trung tâm của TP HCM.
Định hướng của Thủ Đức sẽ là hạt nhân để thúc đẩy TP HCM và vùng Đông Nam bộ phát triển. Trong đó, dự kiến TP Thủ Đức góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP HCM, tương đương với 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước.
Từ 2021, TP Thủ Đức đã đảm bảo vai trò quan trọng về kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông khá hoàn chỉnh, bao gồm các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP HCM và các tỉnh Đông Nam bộ như cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; Xa lộ Hà Nội; Quốc lộ 1A (trục giao thông Bắc - Nam); đường Phạm Văn Đồng - Quốc lộ 1K (đi TP Biên Hòa); Quốc lộ 52;...
Xét về quy mô, mức đóng góp của TP Thủ Đức sẽ chỉ sau GRDP của Hà Nội, trong khi lớn hơn GRDP của tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai.
Cùng với số lượng tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, những lợi thế về địa lý, kinh tế, những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần truyền thống, mang đậm dấu ấn riêng về lịch sử, địa lý, kết hợp hài hòa với các khu đô thị mới, TP Thủ Đức có nhiều cơ hội, tiềm năng để phát triển du lịch.
Theo Sở Du lịch TP HCM, TP Thủ Đức có 13 tài nguyên du lịch văn hóa, 21 công trình nhân tạo hấp dẫn và 1 món nem Thủ Đức đặc trưng... Đây chính là những yếu tố để Thủ Đức có thể phát triển các khu phức hợp vui chơi giải trí hiện đại và các sự kiện du lịch, văn hóa, thể thao quy mô lớn mang tầm quốc tế.
Thời gian qua, các công ty du lịch trên địa bàn TP HCM đã ra mắt và thực hiện các tour đưa khách tham quan TP Thủ Đức với những điểm đến check-in độc đáo, mang nhiều dấu ấn đặc trưng.
Một số địa điểm du lịch thăm quan ‘ăn khách’ tại Thủ Đức như Bảo tàng áo dài Việt Nam, chùa Bửu Long, pháp viện Minh Đăng Quang, Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc... Bên cạnh đó, các địa điểm du lịch sinh tái tại thành phố năng động này cũng nhận được sự quan tâm rất lớn từ du khách thập phương như: khu du lịch văn hóa Suối Tiên, khu du lịch sinh thái Song Long, Đầm sen Tam Đa... Đặc biệt, có rất nhiều tour du lịch khám phá bằng hệ thống xe bus đường sông cũng trở thành một sự lựa chọn không thể bỏ lỡ đối với nhiều du khách.
Du lịch Thủ Đức đã và đang vươn mình khẳng định vị thế, đưa thành phố không những mạnh về kinh tế mà còn trở thành một trung tâm văn hóa quan trọng của TP HCM nói riêng và của cả vùng Đông Nam Bộ nói chung.