Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, miền Bắc nước ta có 25 tỉnh thành, trong đó gồm 23 tỉnh và 2 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội và Hải Phòng. Bắc Bộ gồm 3 tiểu vùng là Tây Bắc Bộ (6 tỉnh), Đông Bắc Bộ (9 tỉnh) và Đồng bằng sông Hồng (10 tỉnh, thành phố).
Với diện tích tự nhiên lên tới hơn 14.000 km2, Sơn La là tỉnh rộng nhất miền Bắc, lớn thứ ba ở Việt Nam. Xếp sau đó là Điện Biên (hơn 9.500 km2), Lai Châu (hơn 9.000 km2). Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, đạt khoảng 16.486,5 km2.
Thành phố Hà Nội có diện tích 3.359km2 với dân số khoảng 8,5 triệu người. Hiện diện tích Hà Nội lớn thứ hai vùng Đồng bằng sông Hồng, sau Quảng Ninh rộng hơn 6.200 km2. Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Nội có diện tích lớn nhất, tuy nhiên, thành phố này lại có diện tích chỉ xếp thứ 16 tại miền Bắc.
Thành phố Hà Nội có diện tích lớn thứ mấy ở miền Bắc?
Với diện tích mở rộng lên đến 3.359,82 km2, Hà Nội trở thành một trong 17 Thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới. Sự thuận lợi về địa lý giúp Hà Nội trở thành trung tâm quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa và khoa học của cả nước. Hiện tại, Hà Nội gồm 12 quận, 1 thị xã và 17 huyện.
Những địa điểm tham quan, vui chơi tại thành phố Hà Nội
Khí hậu Hà Nội mang đặc trưng của nhiệt đới gió mùa ẩm, cho phép du khách trải nghiệm đủ 4 mùa trong năm với sự đa dạng về cảnh vật và cuộc sống.
Thời gian lý tưởng để du lịch Hà Nội là mùa thu từ tháng 8 đến tháng 11 và mùa xuân từ tháng 3 đến tháng 4. Mùa thu được coi là thời điểm đẹp nhất với bầu trời trong xanh, gió heo may se se lạnh, lá vàng rơi và mùi hoa sữa thoang thoảng. Mùa xuân mang đến tiết trời ấm áp, khi cây cối đâm chồi nảy lộc và muôn hoa đua nhau nở rộ.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hay còn gọi là Lăng Bác, lăng Ba Đình, là một công trình kiến trúc nổi tiếng của Việt Nam. Nơi đây thu hút đông đảo du khách đến tham quan và tỏ lòng thành kính ngưỡng mộ vị lãnh tụ của dân tộc.
Lăng gồm ba tầng: Tầng 1 là dãy khán đài bậc thang. Tầng 2 là phần trung tâm với di hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt trong lồng kính. Tầng trên là mái lăng hình tam cấp, trên mặt chính có khắc dòng chữ "Chủ tịch Hồ Chí Minh" bằng đá hồng ngọc màu mận chín.
Chùa Một Cột
Giới thiệu về Hà Nội không thể bỏ qua chùa Một Cột. Đây là một công trình kiến trúc lịch sử và nghệ thuật độc đáo tại Thủ đô, được xây dựng vào năm 1049 dưới triều đại nhà Lý. Nằm cạnh các biểu tượng khác như tháp Rùa và Khuê Văn Các, chùa Một Cột đã trở thành biểu tượng nổi bật của thành phố.
Bên cạnh ý nghĩa tâm linh, chùa Một Cột còn được đánh giá cao về mặt thẩm mỹ với sự tinh tế trong thiết kế kiến trúc, điêu khắc, hội họa,... Những nghệ thuật này thể hiện giá trị văn hóa cổ xưa và đậm chất dân tộc của Việt Nam.
Hoàng thành Thăng Long
Giới thiệu về thành cổ Hà Nội, du khách nhớ ngay đến Hoàng thành Thăng Long. Được coi là di tích quan trọng nhất trong hệ thống các di tích lịch sử của đất nước, Hoàng thành Thăng Long là điểm đến thu hút đông đảo du khách. Tại đây, du khách có thể tham quan những địa điểm nổi bật như khu khảo cổ học số 18 Hoàng Diệu, Đoan Môn, Điện Kính Thiên và Bắc Môn (thành Cửa Bắc), nơi lưu giữ những hình ảnh và câu chuyện đầy hấp dẫn về lịch sử và văn hóa của Thủ đô Hà Nội cũng như cả nước Việt Nam.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Văn Miếu - Quốc Tử Giám mang đậm tinh thần của tri thức và giáo dục Việt Nam. Đây là nơi thờ phụng các bậc Tiên thánh, Tiên sư của đạo Nho và Tư nghiệp.
Văn Miếu Quốc Tử Giám được xem là biểu tượng thể hiện văn hóa và giáo dục của dân tộc, là điểm đến mang ý nghĩa tâm linh, lịch sử quan trọng của Việt Nam.
Ngồi xích lô dạo quanh 36 phố phường
Từ những năm đầu của thế kỉ XX, hình ảnh phố phường Hà Nội đã gắn liền với những chiếc xích lô qua những hoạt động thường nhật đến việc quan trọng như cưới hỏi, rước dâu,... tạo nên nét văn hóa đặc trưng của người dân phố cổ.
Ngồi trên xích lô, bạn sẽ có cơ hội chứng kiến nét cổ kính lẫn hiện đại qua từng con ngõ, góc phố. Vào sáng sớm, mùi thơm êm dịu của các loài hoa càng làm cho người ta thư giãn hơn. Bạn nên đem theo máy ảnh để có thể chụp ảnh, quay lại những thước phim làm kỷ niệm.
Hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm)
Hồ Hoàn Kiếm còn có tên gọi khác là hồ Gươm, nằm ở vị trí trung tâm của Thủ đô, được ví như "trái tim" của thành phố. Nơi này mang tên hồ Gươm do liên quan đến sự tích trả gươm thần huyền thoại của vua Lê Lợi cho rùa vàng.
Hồ Hoàn Kiếm không chỉ là một biểu tượng lịch sử và văn hóa quan trọng của Hà Nội, mà còn là nơi du khách và người dân địa phương thường tìm đến để thư giãn, dạo chơi và chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng giữa lòng đô thị.
Thành Cổ Loa
Khu di tích Cổ Loa nằm tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, là một điểm đến văn hóa và lịch sử quan trọng. Thành Cổ Loa được xây dựng từ thế kỉ thứ 3 TCN. Nơi này gắn liền với sự tích nỏ thần của An Dương Vương và câu chuyện tình buồn của Mị Châu - Trọng Thủy. Mỗi năm, vào ngày mùng 6 tháng Giêng, người dân Cổ Loa tổ chức lễ hội để tưởng nhớ vua An Dương Vương, người đã có công dựng nước.
Nhà hát lớn Hà Nội
Nhà hát lớn Hà Nội được xem như biểu tượng văn hóa và nghệ thuật của thành phố với các buổi biểu diễn lớn của các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng hàng đầu Việt Nam.
Nhà hát Lớn không chỉ mang trong mình sứ mệnh giới thiệu về Hà Nội bằng kiến trúc tuyệt vời và không gian nội thất tráng lệ mà còn là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa nghệ thuật của Việt Nam.
Hồ Tây
Hồ Tây mang đến khung cảnh đặc biệt với bờ hồ xanh mướt, hàng cây cao thẳng tắp và những bồn hoa xinh tươi xung quanh. Không chỉ có khung cảnh đẹp, hồ Tây còn sở hữu sắc nước độc đáo, thay đổi kỳ diệu theo thời tiết và mùa vụ. Sắc nước từ xanh tươi đến xám ảo khiến hồ trở nên sống động và hấp dẫn.