TIN TỨC » Kiến thức

Tỉnh nào của miền Bắc sắp trở thành thành phố trực thuộc trung ương?

Thứ hai, 29/07/2024 14:32

Đến năm 2050, tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, và giữ gìn bản sắc văn hóa, trở thành địa điểm sống lý tưởng trên vùng đồng bằng sông Hồng.

Mới đây, tại Hưng Yên đã diễn ra Hội nghị công bố Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Hưng Yên năm 2024. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh.

Mục tiêu của Quy hoạch được xác định đưa Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030, với quy mô kinh tế và phát triển xếp trong nhóm dẫn đầu cả nước. Đến năm 2050, Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, và giữ gìn bản sắc văn hóa Phố Hiến xưa, trở thành địa điểm sống lý tưởng trên vùng đồng bằng sông Hồng.

Theo đó, phạm vi, ranh giới Quy hoạch tỉnh Hưng Yên bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ với tổng diện tích tự nhiên 930,22km2, với 10 đơn vị hành chính bao gồm thành phố Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào và 8 huyện (Ân Thi, Khoái Châu, Kim Động, Phù Cừ, Tiên Lữ, Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ).

TP. Hưng Yên

Thành phố Hưng Yên nằm về phía Nam của tỉnh Hưng Yên, trung tâm thành phố cách Thủ đô Hà Nội khoảng 60km về phía Tây Bắc; cách thành phố Hải Dương 50km về phía Đông Bắc; cách thành phố Thái Bình 50km về phía Đông Nam; cách thành phố Phủ Lý 25km về phía Tây Nam; phía Bắc giáp huyện Kim Động, phía Đông và phía Nam giáp huyện Tiên Lữ, phía Tây giáp tỉnh Hà Nam.

Ngày 17/7/2007, thị xã Hưng Yên (nay là thành phố Hưng Yên) được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III theo quyết định 1012/QĐ-BXD; ngày 19/01/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 04/NĐ-CP thành lập thành phố Hưng Yên trực thuộc tỉnh Hưng Yên trên cơ sở diện tích, dân số của thị xã Hưng Yên cũ; ngày 06/8/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 95/NQ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Kim Động, Tiên Lữ để mở rộng địa giới hành chính thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, theo đó Thành phố Hưng Yên có 7.342 ha diện tích tự nhiên và 147.275 nhân khẩu (trong đó dân số nội thành 85.400 người, dân số ngoại thành 61.875 người); thành phố có 17 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 07 phường và 10 xã. Từ những dấu mốc quan trọng nêu trên đã mở ra cho thành phố Hưng Yên một thời kỳ phát triển mới trong việc phát triển kinh tế, xây dựng đô thị với mục tiêu hiện đại, thông minh và bền vững.

Hưng Yên có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế và du lịch

Hưng Yên nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là một trong hai tỉnh Bắc Bộ có địa hình hoàn toàn là đồng bằng, không có rừng, không có núi, không giáp biển; là tỉnh có lợi thế về hạ tầng giao thông, là nơi cung ứng các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao cho Hà Nội, vùng Thủ đô và cả vùng Đồng bằng sông Hồng. Phía Bắc Hưng Yên giáp tỉnh Bắc Ninh, phía Tây bắc giáp thành phố Hà Nội, phía Đông giáp tỉnh Hải Dương, phía Nam giáp tỉnh Thái Bình, phía Tây Nam giáp tỉnh Hà Nam lại được phù sa màu mỡ bồi đắp bởi hai con sông lớn là sông Hồng và sông Luộc tạo cho Hưng Yên những cánh đồng lúa, ngô xanh biếc, những đầm sen rộng lớn và những đặc sản ngon nổi tiếng như: nhãn lồng, mật ong, hạt sen… Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có tổng số 1802 di tích, trong đó có 03 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 175 di tích xếp hạng cấp quốc gia (là tỉnh đứng thứ 3 cả nước về số lượng di tích được xếp hạng quốc gia), 271 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 7 bảo vật quốc gia.

Hoàng Mai (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)