Hiện nay, Thủ Đức là thành phố đầu tiên và duy nhất thuộc loại hình đơn vị hành chính thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
Thủ Đức là thành phố đầu tiên và duy nhất nước ta thuộc thành phố.
Năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM. Theo đó, Thành phố Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức.
Sau khi thành lập, Thành phố Thủ Đức có diện tích hơn 210km2 và quy mô dân số trên 1 triệu người. Thành phố Thủ Đức có 34 phường: An Khánh, An Lợi Đông, An Phú, Bình Chiểu, Bình Thọ, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Cát Lái, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Hiệp Phú, Linh Chiểu, Linh Đông, Linh Tây, Linh Trung, Linh Xuân, Long Bình, Long Phước, Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Phú Hữu, Phước Bình, Phước Long A, Phước Long B, Tam Bình, Tam Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Tân Phú, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm, Trường Thạnh, Trường Thọ.
Thành phố Thủ Đức nằm tại cửa ngõ phía Đông của TP. HCM, tiếp giáp nhiều tỉnh của Đông Nam Bộ:
• Phía đông giáp thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành thuộc tỉnh Đồng Nai với ranh giới là sông Đồng Nai.
• Phía tây giáp Quận 12, quận Bình Thạnh, Quận 1 và Quận 4 với ranh giới là sông Sài Gòn.
• Phía nam giáp huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai (qua sông Đồng Nai) và Quận 7 (qua sông Sài Gòn).
• Phía bắc giáp các thành phố Thuận An và Dĩ An thuộc tỉnh Bình Dương.
Khu vực Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức, TP. HCM.
Theo đề án quy hoạch mới nhất, TP. HCM sẽ tổ chức TP. Thủ Đức là một đô thị đa trung tâm, với 01 trung tâm chính là khu Thủ Thiêm, 02 trung tâm khác tại khu vực Trường Thọ và khu vực Long Phước.
TP Thủ Đức tập trung phát triển 11 khu vực trọng điểm nhằm kích thích kinh tế, sáng tạo, đổi mới. Các khu này bao gồm: Khu trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm; Khu đô thị thương mại, dịch vụ cảng, công nghiệp Cát Lái - Thạnh Mỹ Lợi; Khu đô thị thương mại, văn hoá, sáng tạo, tương tác cao Trường Thọ; Khu công viên và đô thị Tam Phú; Khu đô thị sản xuất tiên tiến, thương mại dịch vụ Linh Trung.
Tiếp theo là Khu sản xuất công nghệ cao, dịch vụ và đào tạo TP. HCM; Khu đô thị và công viên lịch sử - văn hoá dân tộc Long Bình; Khu đô thị và công viên khoa học và công nghệ TP. HCM tại Long Phước; Khu đô thị sinh thái, công nghệ cao Long Phước - Tam Đa; khu vực thuộc Đại học Quốc gia TP. HCM.
Về giao thông, sẽ bổ sung các hướng kết nối qua sông Sài Gòn, sông Tắc, sông Đồng Nai, để phát huy vai trò và giá trị trung tâm của TP. Thủ Đức đối với TP. HCM cũng như đối với vùng TP. HCM.
TP. Thủ Đức được xác định là đô thị loại 1 trực thuộc TP. HCM phát triển theo mô hình đô thị sáng tạo, tương tác cao; trung tâm phía Đông của TP. HCM về kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo.
Các trục cảnh quan chính, có 6 dải không gian mở lớn, gồm: dải không gian công cộng ven sông Sài Gòn; dải không gian đô thị sinh thái - du lịch ven sông Đồng Nai; dải không gian mở Đông Tây kết nối Thủ Thiêm qua Rạch Chiếc sang đến khu vực Long Phước; dải không gian sáng tạo và văn hóa, kết nối khu vực công viên Văn hóa lịch sử phía Bắc xuống tới khu đô thị sinh thái Long Phước.
Tại khu vực Long Phước, Tam Đa và các khu vực đất trũng, hạn chế xây dựng ngầm và cần đảm bảo thoát nước theo mô hình thích ứng. Phát triển 04 trung tâm dịch vụ logistic quy mô khoảng 400 - 450 ha tại khu công nghệ cao TP. HCM; khu tổ hợp sản xuất, kinh doanh dịch vụ Linh Trung; trung tâm Logistics Long Bình; trung tâm Logistics Cát Lái.
TP. Thủ Đức sẽ ưu tiên đầu tư các dự án gồm các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung và giao thông công cộng, xây dựng và phát triển các khu trọng điểm phát triển; phát triển công nghệ cao, kinh tế tri thức, sáng tạo; phát triển các khu TOD, các tổ hợp hỗn hợp với chức năng chính là nghiên cứu, đào tạo, sản xuất công nghệ cao, văn phòng, thương mại dịch vụ.
Đồng thời, ưu tiên các dự án xây dựng phát triển hệ thống công viên công cộng, công viên chuyên đề; hạ tầng xã hội, đặc biệt là dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe, văn hoá, thể dục thể thao, nhà ở xã hội; cải tạo chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu...