Năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM. Theo đó, TP. Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức.
Sau khi thành lập, TP. Thủ Đức có diện tích hơn 210km2 và quy mô dân số trên 1 triệu người. Như vậy, hiện nay, Thủ Đức là thành phố đầu tiên và duy nhất thuộc loại hình đơn vị hành chính thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Thành phố này có tổng cộng 34 phường, vị trí địa lý giáp quận 1, quận 4, quận 7, quận 12, quận Bình Thạnh (TP.HCM) và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.
TP.HCM là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế, văn hóa… đóng vai trò dẫn dắt, có sức hút đầu tư đối với nền kinh tế khu vực và cả nước. Việc thành lập TP. Thủ Đức không chỉ là sự kiện đặc biệt quan trọng với người dân 3 quận mà còn là cột mốc phát triển của TP.HCM trong hội nhập quốc tế.
Dựa trên bản đồ Thủ Đức có thể thấy, đây là khu vực trung tâm miền Đông Nam Bộ, Việt Nam với cơ sở hạ tầng được đầu tư, xây dựng và phát triển một cách đồng bộ. Đây chính là điểm mấu chốt để kết nối các đầu mỗi giao thông quan trọng để tăng cường quá trình hợp tác những vùng lân cận.
TP. Thủ Đức là nơi có các phân khu chức năng như khu tài chính Thủ Thiêm, Rạch Chiếc, Khu Tam Đa, Khu Trường Thọ,… Đặc biệt là Khu tài chính Thủ Thiêm mang sứ mệnh quyết định về lĩnh vực tài chính toàn thành phố. Theo định hướng được đưa ra sẽ phát triển về cơ sở hạ tầng ưu tiên người đi bộ và tàu điện ngầm để kết nối các địa phương. Đồng thời, kết nối đường phố với các lối đi ven sông, sân nhà thờ và thông suốt các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, hứa hẹn trở thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trong tương lai.
Với số lượng tài nguyên du lịch phong phú, lợi thế về địa lý, kinh tế, những giá trị văn hóa gắn với sự hình thành và phát triển lâu đời của vùng đất Thủ Đức, kết hợp hài hòa với các khu đô thị mới, Thủ Đức còn có rất nhiều cơ hội và tiềm năng để phát triển du lịch.
Ngoài ra, mạng lưới sông, rạch dày đặc và phần lớn các tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố có chức năng giao thông thủy kết nối thuận lợi tạo nên không gian, cảnh quan kiến trúc sông nước đặc thù và tiềm năng phục vụ vận tải hành khách, hàng hóa và phát triển kinh tế dịch vụ dọc bờ sông.
TP. Thủ Đức có 13 tài nguyên du lịch văn hóa, 21 công trình nhân tạo hấp dẫn đã được kiểm kê đánh giá cùng với các khu đô thị mới, phân khu chức năng hiện hữu và các quy hoạch. Vì thế Thủ Đức có nhiều cơ hội và tiềm năng để phát triển các khu phức hợp vui chơi giải trí hiện đại và các sự kiện du lịch, văn hóa, thể thao quy mô lớn mang tầm quốc tế.
Với những lợi thế trên, Sở Du lịch cũng đã đề xuất TP. Thủ Đức phát triển du lịch theo hướng trở thành một trung tâm du lịch mới, khác biệt với phần còn lại của TP.HCM, thể hiện được bản sắc văn hóa và sự sống động, hiện đại của một đô thị xanh, thông minh, ứng dụng công nghệ cao.
Với chủ trương "Mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng", TP. Thủ Đức đã hình thành một số điểm đến, chương trình tham quan khá đặc sắc, được doanh nghiệp và du khách đánh giá cao. Trong đó, có thể kể đến như sản phẩm du lịch "TP xanh Thủ Đức", "Thành phố xanh bên sông Sài Gòn" hay tour "Thủ Đức tìm lại dấu xưa", du khách sẽ được trải nghiệm Waterbus - ngắm Sài Gòn từ dòng sông - Công viên văn hóa lịch sử các dân tộc - Chùa Bửu Long - Bảo tàng Áo Dài…
Khung cảnh thanh mát trong Khu sinh thái - phim trường Long Đại, TP. Thủ Đức
Với trụ cột sản phẩm văn hóa, lịch sử, TP. Thủ Đức được định vị sẽ trở thành trung tâm văn hóa lịch sử mới nổi của khu vực. Đặc biệt, Công viên Văn hóa - lịch sử dân tộc sẽ là điểm nhấn văn hóa, lịch sử với sự kết hợp của giá trị truyền thống và hiện đại của văn hóa Việt Nam.