TIN TỨC » Kiến thức

Theo luật, mua nhà phải đặt cọc bao nhiêu tiền?

Thứ tư, 17/01/2024 09:09

Căn cứ theo quy định, việc đặt cọc tiền mua nhà được thực hiện theo thỏa thuận của các bên (bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc).

Với bất cứ ai, mua nhà là việc lớn trong đời. Trong đó nên đặt cọc tiền mua nhà bao nhiêu cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Quy định về đặt cọc tại Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015 không có điều khoản nào nêu rõ số tiền đặt cọc là bao nhiêu mà chỉ nêu định nghĩa về việc đặt cọc như sau:

1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

Theo quy định này, việc đặt cọc được thực hiện theo thỏa thuận của các bên (bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc). Do đó, các bên có quyền thỏa thuận mua nhà phải đặt cọc bao nhiêu tiền.

Việc đặt cọc tiền mua nhà được thực hiện theo thỏa thuận của các bên.

Và trong thực tế, để hạn chế rủi ro, khi mua nhà, các bên thường thỏa thuận đặt cọc với mức từ 10% - 30% để đảm bảo việc người mua sẽ mua và người bán sẽ bán nhà khi hết hạn đặt cọc theo thỏa thuận.

Và mức đặt cọc cụ thể sẽ do các bên thỏa thuận và quyết định. Việc đặc cọc có thể được ghi trong hợp đồng đặt cọc hoặc là một nội dung của hợp đồng mua bán nhà. Hợp đồng đặc cọc có thể được công chứng hoặc không được công chứng theo thỏa thuận của các bên.

Tuy nhiên, để tránh tranh chấp có thể xảy ra, thông thường các bên sẽ lựa chọn lập thành hợp đồng đặt cọc và công chứng hoặc chứng thực để đảm bảo tính pháp lý.

2. Thủ tục công chứng hợp đồng đặt cọc

Trong trường hợp các bên lựa chọn công chứng hợp đồng đặt cọc thì thủ tục thực hiện như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ để thực hiện công chứng hợp đồng đặt cọc mua nhà gồm các loại giấy tờ sau đây:

Phiếu yêu cầu công chứng (theo mẫu)

Giấy tờ về nhân thân của bên đặt cọc, bên nhận đặt cọc: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu còn hạn sử dụng, giấy tờ về tình trạng hôn nhân (đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc bản án hoặc quyết định ly hôn tùy là thuận tình hay đơn phương ly hôn…)

Giấy tờ về nhà được sử dụng để đặt cọc gồm: Sổ đỏ/sổ hồng, hợp đồng mua bán nhà…

Bước 2: Thực hiện công chứng

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, các bên đến tổ chức hành nghề công chứng gồm văn phòng công chứng hoặc phòng công chứng để thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng đặt cọc.

Ở đây, các bên sẽ được yêu cầu xuất trình bản gốc các giấy tờ đã chuẩn bị ở trên và được giải thích quyền, nghĩa vụ liên quan cùng với hướng dẫn ký ở đâu, như thế nào…

Bước 3: Sau khi các bên đã thực hiện xong việc ký công chứng, công chứng viên sẽ đối chiếu lại bản chính giấy tờ với thông tin trong hợp đồng, kiểm tra chữ ký, vân tay… và sau đó sẽ ghi lời chứng, đóng dấu vào hợp đồng.

Sau khi đã hoàn thành, các bên nộp phí, thù lao công chứng và nhận lại bản chính giấy tờ, bản chính hợp đồng đặt cọc đã được công chứng.

3. Mẫu hợp đồng đặt cọc mới nhất

Mẫu hợp đồng đặt cọc không có mẫu thống nhất mà hoàn toàn dựa vào sự thỏa thuận của các bên và đáp ứng tối thiểu các nội dung tại Điều 398 Bộ luật Dân sự năm 2015 dưới đây:

a) Đối tượng của hợp đồng.

b) Số lượng, chất lượng.

c) Giá, phương thức thanh toán.

d) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng.

đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên.

e) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.

g) Phương thức giải quyết tranh chấp.

Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới