Ngày 30/11/2024, Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó, tại điểm 2.2. đối với lĩnh vực y tế có nêu: “Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể”.
Như vậy, khi thuốc lá điện tử chính thức bị cấm từ 2025 thì hành vi buôn bán thuốc lá điện tử được xem là buôn bán hàng cấm và sử dụng thuốc lá điện tử cũng tương tự việc sử dụng chất cấm.
Thuốc lá điện tử bị cấm từ năm 2025.
Khi thuốc lá điện tử trở thành hàng cấm, người có hành vi sử dụng, sản xuất, buôn bán tiêu thụ thuốc lá điện tử tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh liên quan.
Bộ luật Hình sự hiện hành chưa quy định bất kỳ tội danh nào với hành vi sử dụng chất cấm. Do đó, nếu người chỉ sử dụng thuốc lá điện tử nhưng không buôn bán, tàng trữ thì sẽ không bị xử lý hình sự. Nếu vừa sử dụng thuốc lá điện tử vừa có thêm hành vi mua, bán có thể bị xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm.
Hiện nay, về xử phạt hành chính người sử dụng chất cấm được quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Theo căn cứ này, thì người sử dụng thuốc là điện tử có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Người hút và mua bán thuốc lá điện tử sẽ bị xử lý trước pháp luật.
Đối với người (chủ thể) thực hiện hành vi kinh doanh, sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính là phạt tiền và bị áp dụng hình phạt bổ sung theo quy định tại điều 7, điều 8 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Người thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 190, 191 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung với khung hình phạt cao nhất có thể tới 15 năm tù và bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Đối với pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt tiền cao nhất tới 9 tỷ đồng và bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Những tác hại khủng khiếp của thuốc lá điện tử đến sức khỏe
- Thuốc lá điện tử chứa nicotine là chất gây nghiện, người sử dụng nó bắt buộc phải dùng tiếp, nếu không sẽ vật vã khó chịu, không dứt ra được. Nicotine trong thuốc lá điện tử gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, gây suy giảm trí nhớ, gây ra sinh non, thai chết lưu ở phụ nữ có thai. Nicotine làm giảm lưu lượng máu, gây ra nguy cơ đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ. Nicotine còn gây ra suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng.
- Thuốc lá điện tử tiện dụng với các ống dung dịch được đóng gói cho hàng trăm hơi hút, hầu như không có định lượng về nồng độ nicotine trong mỗi ml. Điều này dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng, mức độ dung nạp nicotine và gây nguy cơ ngộ độc cấp tính.
- Thuốc lá điện tử được chứng minh đã gây ra bệnh phổi như tắc nghẽn phổi mãn tính, ung thư phổi, hen, đột quỵ não, tim mạch, ung thư.
- Một số loại thuốc lá điện tử có thể chứa những thành phần nguy hiểm như chì, formaldehyde hay Tetrahydrocannabinol (THC) là chất gây ung thư, dị tật bẩm sinh hoặc các vấn đề sức khỏe khác.
- Thuốc lá điện tử cũng giống thuốc lá truyền thống gây ảnh hưởng tới cả trẻ em, phụ nữ, những người hút thuốc lá thụ động. Ngành công nghiệp thuốc lá chủ trương tạo ra hàng ngàn hương vị thuốc lá điện tử hấp dẫn như vani, nước hoa, gà rán, hoa quả (chuối, xoài, dâu, cam, táo, nho), kẹo (như kẹo anh đào, kẹo bông gòn, kẹo chocolate, bạc hà)... để không chỉ lôi kéo người hút chính mà ngay cả người hút thụ động cũng cảm thấy thích thú thậm chí là nghiện. Các chất hóa học trong khói của thuốc lá điện tử còn bám vào sofa, rèm cửa, giường, mùng, mền, chiếu, quần áo, trên bề mặt vật dụng và khi con người tiếp xúc thì nó thấm qua niêm mạc không tốt cho sức khỏe.
- Một số chất phụ gia hương vị như diacetyl, propylen có gây ra bệnh viêm tiểu phế quản, viêm phổi nếu sử dụng lâu, hàm lượng lớn.
- Thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy. Tại Việt Nam, tình trạng tội phạm ma túy trộn các loại ma túy và các chất kích khác vào các sản phẩm thuốc lá điện tử và hướng vào đối tượng học sinh, sinh viên và giới trẻ đang rất phức tạp mà một số vụ việc đã được điều tra, phát hiện. Đã có trường hợp học sinh được đưa vào cấp cứu trong trạng thái vật vã, kích thích, loạn thần, ảo giác... do ngộ độc ma túy có trong thuốc lá điện tử chỉ sau một lần hút.