Tỉa chân nhang trên bàn thờ Gia tiên ngày Tết sẽ mất lộc, đúng không?
Việc tỉa bát hương và tân trang lại bàn thờ gia tiên mỗi dịp cuối năm, Tết đến xuân về luôn được người Việt rất coi trọng. Tuy nhiên, nhiều gia đình có quan niệm rằng, không nên tỉa chân nhang bàn thờ gia tiên cuối năm vì như vậy sẽ mất lộc. Họ cho rằng, bát hương càng đầy, càng um tùm thì càng linh. Chân hương được lưu trữ từ năm này qua năm khác, xếp tầng tầng lớp lớp, hương tàn cuốn lại thành vòng tròn càng nhiều thì gia chủ sẽ càng có nhiều tài lộc và may mắn.
Thật ra, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm, sự mê tín quá đà. Điều này cũng nhằm thể hiện sự khoe khoang chứng tỏ tín chủ là người tín tâm, chăm thắp hương thờ cúng được tổ tiên phù hộ cho nhiều lộc.
Quan niệm cho rằng, bát hương càng đầy, càng um tùm thì càng linh là hoàn toàn sai lầm.
Theo các chuyên gia phong thủy, trong việc dọn dẹp bàn thờ ngày Tết thì việc tỉa chân nhang là việc quan trọng nhất. Mỗi năm ít nhất một lần, các gia đình nên tỉa các chân nhang ở bát hương chứ không nên để nhiều vì như vậy bát hương bị rác, bàn thờ sẽ nhanh bụi và dơ bẩn, nguy cơ hỏa hoạn có thể xảy ra.
Theo quan niệm tâm linh truyền thống, bát hương được xem là biểu tượng linh thiêng trên bàn thờ. Không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất, mà hơn hết, bát hương là biểu tượng của văn hóa, có giá trị rất lớn về mặt tinh thần. Đây là cầu nối thể hiện tấm lòng tưởng nhớ, tưởng niệm, tỏ tâm hiếu nghĩa, tri ân cũng như ước nguyện của con cái đối với ông bà tổ tiên, của gia chủ đối với thần linh.
Do đó, bát hương và bàn thờ gia tiên luôn luôn cần được sạch sẽ, thơm tho để tỏ lòng thành kính, đồng thời tránh việc rơi vào hình thức bề ngoài, các thủ tục rườm rà không đáng có.
Cách tỉa chân nhang từng bước
Để thực hiện nghi lễ tỉa chân nhang đúng cách, bạn cần chuẩn bị một số vật dụng và có thể thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Xin phép tổ tiên và các vị thần linh
Trước khi bắt đầu tỉa chân nhang, gia chủ cần tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc gọn gàng. Sau đó, gia chủ thắp hương và đọc văn khấn bao sái bàn thờ để xin phép tổ tiên và các vị thần linh. Lưu ý là chỉ khi hương/nhang cháy hết, bạn mới bắt đầu thực hiện các bước tiếp theo. Nếu bạn muốn tỉa chân nhang sau khi vừa tiễn ông Công ông Táo mà nhan vẫn còn, không cần thắp thêm mà chỉ cần khấn xin phép tỉa chân nhang là được.
Bạn có thể tham khảo bài văn khấn tỉa chân nhang như sau:
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Con xin tấu lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Con xin tấu lạy Hoàng thiên, Hậu Thổ, chư vị tôn thần.
Con xin tấu lạy Ngũ phương ngũ thổ long mạch thổ thần đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Con xin tấu lạy các cụ tổ tiên nội - ngoại, chư vị tiên linh.
Tín chủ con là:………………
Trú tại:………………….
Hôm nay là ngày… tháng… năm…, tín chủ con tự xét thấy bản thân mình chưa được chu toàn nên để ám hương có chút bụi bẩn, có chút chưa được thanh tịnh, xanh yên.
Tín chủ con kính cáo với các chư vị gia tiên chọn được ngày lành tháng tốt hôm nay, xin cho phép tín chủ chúng con được sái tịnh để cho bàn thờ được trang nghiêm nhất, kính mong chư vị chứng giám và gia hộ.
Mong các vị tạm ẩn tạm lánh, độ cho chúng con lau dọn được khang trang mỹ hảo cho hương án được an chính vị, cho phần âm được an yên, cho gia cư được lạc thổ. Cho cung tài không động, cung lộc không hao xin chư vị gia tiên phù hộ.
Tín chủ con người trần mắt thịt, tội lỗi đầy thân, chỉ biết kính cẩn tâm thành, nếu có bất cứ điều gì si mê lầm lỡ kính xin được tha thứ bỏ quá đại xá cho.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Bước 2: Tỉa chân nhang
Đặt một tờ báo hoặc một tấm vải sạch ở gần bát hương để đựng chân nhang, đồng thời để hứng tàn nhang nếu có rơi xuống. Sau đó, một tay giữ bát hương cố định, tay còn lại nhẹ nhàng rút từng chân nhang ra khỏi bát hương. Trong quá trình tỉa, bạn cần cẩn thận để không làm rơi hoặc tung tóe tro tàn từ chân nhang. Cố gắng giữ bát hương bất động để không làm xê dịch vị trí của nó.
Thông thường, sau khi tỉa xong, gia chủ sẽ để lại 3, 5, 7, 9 chân nhang trong bát hương (sẽ là số lẻ) vì đây là số lượng được coi là mang lại may mắn và tài lộc. Tuyệt đối không rút hết chân nhang từ bát hương ra vì điều này có thể mang lại vận xui cho gia đình trong năm mới.
Bước 3: Lau dọn bàn thờ
Sau khi tỉa chân nhang xong, gia chủ tiến hành lau dọn bàn thờ. Dùng khăn sạch lau xung quanh bát hương, có thể làm ẩm khăn để lau sạch hơn. Nếu muốn tẩy uế và làm sạch sâu hơn thì bạn có thể dùng rượu gừng hoặc nước ngũ vị hương để lau bát hương và các đồ thờ khác.
Bước 4: Xử lý chân nhang đã tỉa
Sau khi tỉa chân nhang, bạn cần mang chúng ra một nơi sạch sẽ để hóa thành tro. Tro của chân nhang phải được thả ở những nơi thanh tịnh như sông, suối hoặc gốc cây, không nên bỏ vào thùng rác hay những nơi ô uế. Việc vứt chân nhang bừa bãi hoặc không hóa đi sẽ mang lại sự không may mắn, có thể tán tài tán lộc của gia đình trên phương diện tâm linh.
Bước 5: Thắp hương sau khi hoàn thành
Cuối cùng, sau khi đã hoàn thành các bước tỉa chân nhang và lau dọn bàn thờ, gia chủ thắp hương lại để kính báo gia tiên và các vị thần linh rằng công việc đã hoàn tất.
(*)Thông tin trong bài mang tính tham khảo.