Nếu bạn là một người ăn thịt có ý thức về môi trường, bạn có thể mang theo ít nhất một chút cảm giác tội lỗi khi đến bàn ăn. Để thưởng thức món thịt trên đĩa, chúng ta phải trả một cái giá đáng kể về môi trường do phá rừng, phát thải khí nhà kính, ô nhiễm không khí và nước, đây đang là một thực tế khó chịu, do nhu cầu cấp bách của thế giới đối phó với biến đổi khí hậu.
Chính vì lý do đó, gần đây dư luận đang xôn xao xung quanh việc đến kệ siêu thị và thực đơn bán bánh mì kẹp thịt: thật bất ngờ khi các sản phẩm trông giống như thịt thật nhưng được làm hoàn toàn không có thành phần động vật. Không giống như những chiếc bánh mì kẹp thịt làm từ đậu hoặc ngũ cốc của những thập kỷ trước, những “loại thịt làm từ thực vật” này được bán nhiều cho những người ăn thịt truyền thống.
Hai nhà cung cấp Impossible Burger và Beyond Meat tuyên bố rằng, những loại thịt này tái tạo hương vị và kết cấu của thịt xay thật mà không quá gây hại cho môi trường.
Ngành công nghiệp thịt gây nhiều tác hại cho hành tinh chúng ta. Chăn nuôi chiếm khoảng 15% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, trực tiếp (từ khí mê-tan do gia súc và các động vật ăn cỏ khác thải ra, cả phân từ các trại chăn nuôi) và cả gián tiếp (phần lớn từ nhiên liệu hóa thạch được sử dụng để trồng cây phục vụ thức ăn chăn nuôi).
Không chỉ dừng lại ở đó, Liên hợp quốc dự báo rằng nhu cầu về thịt trên toàn cầu sẽ tăng 15% vào năm 2031 khi dân số thế giới ngày càng tăng và mọi người trở nên giàu có hơn, họ muốn ăn nhiều thịt hơn. Điều này đồng nghĩa với việc phát thải khí mê-tan sẽ nhiều hơn và việc mở rộng đồng cỏ cùng đất trồng trọt như ở Amazon, sẽ khiến nạn phá rừng đe dọa sự đa dạng sinh học và góp phần thêm vào việc phát thải.
Để làm thịt giả, các nhà sản xuất sẽ phân tách thịt xem có những thành phần gì rồi tạo ra các sản phẩm tương đương từ các nguyên liệu có nguồn gốc thực vật như đậu nành, đậu Hà Lan, khoai tây, yến mạch,... rồi thêm các thành phần mô phỏng chất lượng giống như thịt. Đa phần là dầu dừa vì nó giống mỡ động vật, và chiết xuất nấm men hoặc các hương liệu khác để thêm hương vị thịt.
Vấn đề là tất cả những việc này đòi hỏi một quá trình xử lý lớn. Chẳng hạn, đậu nành được xay thành bột rồi loại bỏ dầu. Protein được phân lập và cô đặc, sau đó thanh trùng và sấy - phun để tạo ra protein tương đối tinh khiết cho công thức cuối cùng. Mỗi bước đều tiêu tốn năng lượng khiến người ta đặt câu hỏi: Liệu những loại thịt thay thế này có thực sự không gây nhiều tác hại cho môi trường như mục đích ban đầu?
Để trả lời câu hỏi này, các nhà khoa học môi trường đã tiến hành phân tích vòng đời. Họ lấy từng thành phần trong sản phẩm cuối cùng - protein đậu nành, dầu dừa, heme,… và truy tìm nguồn gốc của chúng, ghi lại tất cả các chi phí môi trường liên quan. Ví dụ, với protein đậu nành, phân tích vòng đời sẽ bao gồm nhiên liệu hóa thạch, nước và đất cần thiết để trồng đậu nành, lượng nhiên liệu hóa thạch phát thải từ phân bón, thuốc trừ sâu và vận chuyển đến nhà máy để chế biến. Sau đó là năng lượng và nước tiêu thụ trong quá trình xay xát, khử chất béo, chiết xuất protein và sấy khô.
Tổng hợp các tính toán tương tự cho các thành phần khác, chúng ta sẽ ước tính được tổng lượng ảnh hưởng đến môi trường của sản phẩm. Những phân tích cho thấy rằng các loại thịt có nguồn gốc từ thực vật mang lại những lợi thế về môi trường rõ ràng hơn so với các loại thịt có nguồn gốc từ động vật. Ví dụ, burger của Impossible chỉ gây ra 11% lượng khí thải nhà kính so với burger thịt bò thật. Tương tự, con số này với thịt lợn giả là 57% và thịt gà giả là 37%.
Việc sản xuất thịt giả này cũng ít tiêu tốn nước hơn: 23% với thịt bò, 11% với thịt lợn và 24% với thịt gà. Việc tiết kiệm đất đai cũng được chứng minh với các con số: 2% với thịt bò, 18% với thịt lợn và 23% với thịt gà. Phần đất dư thừa có thể chuyển sang trồng rừng hoặc các thảm thực vật tự nhiên khác.
Đương nhiên, phương pháp canh tác nông nghiệp cũng là yếu tố quyết định liệu các loại thịt có nguồn gốc từ thực vật có thân thiện hơn với môi trường hơn không.
Một rào cản lớn là hiện các loại thịt làm từ thực vật có giá trung bình cao hơn 43% so với thịt thật. Vì lý do này, chúng chỉ chiếm chưa đến 1% doanh số bán thịt ở Mỹ. Và để đáp ứng đủ cơ sở vật chất sản xuất loại thịt này nhằm tăng lên 6% thị phần cũng sẽ mất 27 tỉ đô la.
Kết luận, thịt giả, theo chứng minh, sẽ giúp giảm thiểu các tác hại môi trường nhưng vẫn chưa phù hợp về mặt kinh tế để có thể trở thành thực phẩm thay thế thịt thật phục vụ người dùng.