TIN TỨC » Kiến thức

Tỉnh duy nhất miền Tây không có biển, không có rừng và không có núi?

Thứ bảy, 03/08/2024 06:36

Địa phương này ngoài không có rừng tự nhiên và rừng trồng thì cũng không giáp biển và địa hình khá bằng phẳng.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hưng Yên, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ là ba địa phương không có rừng, tính đến hết năm 2021. Trong đó, tương tự Hưng Yên, Vĩnh Long cũng không có cả núi và biển. Toàn bộ địa hình của tỉnh là đồng bằng, độ cao trung bình chỉ khoảng 2m so với mực nước biển, Vĩnh Long cũng không có đường biên giới.

Do không có núi, rừng, biển, biên giới, Vĩnh Long có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa. Tỉnh là một trong những vựa lúa lớn của Đồng bằng sông Cửu Long, với sản lượng lúa hàng năm đạt khoảng 568.000 tấn (2022).

Thành phố trẻ Vĩnh Long

Bên cạnh việc trồng lúa, tỉnh Vĩnh Long còn có những thế mạnh về phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản hướng tới phát triển mạnh chế biến xuất khẩu. Vĩnh Long là 1 tỉnh có lịch sử lâu đời và giàu truyền thống văn hóa. Đây từng là nơi sinh sống của nhiều danh nhân và nhà văn nổi tiếng như Phan Thanh Giản, Bùi Hữu Nghĩa… Vĩnh Long còn có nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thu hút du khách trong và ngoài nước. 1 trong những điểm nổi tiếng nhất của Vĩnh Long phải kể đến cây cầu dây văng đầu tiên của Việt Nam - cầu Mỹ Thuận. Cầu Mỹ Thuận được khởi công xây dựng vào tháng 7/1997 và khánh thành ngày 21/5/2000, nối liền 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, cầu có chiều dài hơn 1,5km, rộng gần 24m cho 4 làn xe cơ giới lưu thông.

Tỉnh Vĩnh Long nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích tự nhiện 1.525,73km2. Phía Bắc và Đông Bắc giáp các tỉnh Tiền Giang và Bến Tre; Phía Tây Bắc Đông giáp tỉnh Đồng Tháp; Phía Đông Nam giáp với tỉnh Trà Vinh; Phía Tây Nam giáp các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng và Thành phố Cần Thơ.

Tỉnh Vĩnh Long là một tỉnh thuộc trung tâm đồng bằng sông Cửu Long nằm giữa 2 con sông Tiền và sông Hậu, có đường Quốc lộ (QL) 1A, QL53, QL54 chạy qua; phía Bắc giáp tỉnh Tiền giang, phía Đông giáp 2 tỉnh Trà Vinh và Bến Tre, phía Nam giáp tỉnh Cần Thơ, phía Tây giáp tỉnh Đồng Tháp. Trung tâm của tỉnh (Thành phố Vĩnh Long) cách Thành phố Hồ Chí Minh (Trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học của cả nước) 136 Km, theo Quốc lộ 1A về phía Bắc; cách Thành phố Cần Thơ 35km (Trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long) theo Quốc lộ 1A về phía Nam. Toàn tỉnh được phân chia thành 8 đơn vị hành chính gồm: Thành phố Vĩnh Long, Thị xã Bình Minh và 06 huyện: Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn và Bình Tân; với 14 phường, 6 thị trấn, 87 xã, và 752 khóm/ấp.

Sông Tiền và sông Hậu là 2 cửa ngõ ra biển Đông của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long; Thông qua sông Tiền và sông Hậu, Vĩnh Long có thể mở rộng giao lưu kinh tế với quốc tế đặc biệt với các quốc gia có sông Mê Kông chảy qua như: Trung quốc, Lào, Campuchia.

Vĩnh Long có địa hình tương đối bằng phẳng, ở trung tâm có dạng lòng chảo và cao dần về hướng bờ sông Tiền, sông Hậu, sông Măng Thít.

Với tổng diện tích đất tự nhiên là 1.525, 73 km2 (tính đến ngày 31/12/2022); trong đó diện tích đất nông nghiệp là 119.570,3 ha (đất trồng cây hàng năm 67.137,4 ha, đất trồng cây lâu năm 51.499,6 ha, đất nuôi trồng thủy sản 878,7 ha, đất nông nghiệp khác 54,6 ha) có độ màu mỡ cao nhờ lượng phù sa bồi đắp hàng năm. Dân số trung bình toàn tỉnh năm 2022 ước đạt là 1.028.822 người (nam 508.715, nữ 520.107 người). Trong đó, khu vực thành thị có 233.940 người, chiếm 22.74%; khu vực nông thôn có 794.882 người, chiếm 77,26%.

Lợi thế về vị trí địa lí là yếu tố thuận lợi để Vĩnh Long mở rộng khả năng giao lưu kinh tế, văn hoá - xã hội, phát triển sản xuất hàng hoá thực hiện công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá, hội nhập với nền kinh tế của cả nước và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Hoàng Mai (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới