TIN TỨC » Kiến thức

Tỉnh nào có đông dân tộc sinh sống nhất Việt Nam?

Thứ năm, 25/07/2024 08:25

Đây là tỉnh gồm 49 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc có bản sắc riêng, tạo nên sự đa dạng về văn hóa, lễ hội.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tính đến nay, tỉnh có đông dân tộc sinh sống nhất ở Việt Nam là Đắk Lắk.

Đắk Lắk nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên gồm các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Đắk Nông. Đây là tỉnh gồm 49 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc có những nét đẹp văn hóa riêng.

Trong số 49 dân tộc chung sống ở Đắk Lắk, người Kinh chiếm đa số, khoảng 70%; tiếp đó là người Ê Đê 18%, người Nùng 4%, người Tày hơn 2%, người Mông hơn 2,1%... Cổng thông tin điện tử Ủy ban dân tộc viết, người Ê Đê đã có mặt từ rất lâu ở khu vực miền trung - Tây Nguyên. Hơn 90% người Ê Đê tại Việt Nam sinh sống ở Đắk Lắk, còn lại tập trung ở các tỉnh Phú Yên, Đắk Nông, Khánh Hòa.

Tỉnh có đông dân tộc sinh sống nhất ở Việt Nam là Đắk Lắk.

Đắk Lắk được xem là “cái nôi” của nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào Ê Đê, M'Nông, Gia Rai như: lễ hội cồng chiêng, đâm trâu, đua voi mùa xuân… hay những sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá như: kiến trúc nhà sàn, nhà rông; các nhạc cụ lâu đời nổi tiếng như các bộ cồng chiêng, đàn đá, đàn T'rưng; các bản trường ca Tây Nguyên…

Trong đó, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Hãy cùng chúng tôi điểm qua những lễ hội đặc sắc nhất tại tỉnh Đắk Lắk. Nếu có dịp ghé thăm mảnh đất này bạn nhất định phải tham gia một trong những lễ hội dưới đây để hiểu thêm về văn hóa cũng như con người nơi đây.

Lễ hội Cồng chiêng

Lễ hội Cồng chiêng là lễ hội văn hóa quan trọng hàng đầu của Tây Nguyên. Hàng năm, hội được tổ chức luân phiên tại các tỉnh có không gian văn hóa cồng chiêng (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng), trong đó Đắk Lắk là một điểm quan trọng hay được chọn do vị trí trung tâm văn hóa, chính trị, xã hội của tỉnh.

Lễ hội Cồng chiêng được tổ chức quy mô, hoành tráng, nhằm quảng bá không gian văn hóa cồng chiêng, được UNESCO công nhận là di sản truyền khẩu và phi vật thể của toàn nhân loại. Duy trì lễ hội này đến tận ngày nay chính là một cách giúp gìn giữ, bảo vệ nét văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đây là một lễ hội thu hút khách du lịch trong cả nước.

Trong Lễ hội Cồng chiêng, nghệ nhân của các tỉnh sẽ trình bày, biểu diễn không gian văn hoá của dân tộc và của tỉnh mình. Tiếng cồng chiêng lúc này là phương tiện để con người thông linh (với thần), giao hòa với trời đất và giao tiếp với cả cộng đồng.

Lễ hội đua voi

Lễ hội đua voi là một trong những lễ hội quan trọng của văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Cứ 2 năm một lần, vào khoảng tháng 3 âm lịch, khi người dân bắt đầu đi làm nương rẫy thì lễ hội được tổ chức. Hội chỉ diễn ra trong 1 ngày, chủ yếu là tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.

Hội đua voi diễn ra nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ và tài nghệ thuần dưỡng voi của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Mỗi cuộc đua gồm 5 - 10 con voi giăng hàng ngang trên một bãi đất rộng và phẳng để thi theo từng tốp. Sau hiệu lệnh là một hồi tù và, đàn voi sẽ phóng nhanh về phía trước trong sự reo hò cổ vũ của người dân và khách thập phương.

Ngoài ra hội đua voi còn gồm các các phần như: lễ cúng bến nước, lễ cúng sức khỏe cho voi, lễ ăn trâu mừng mùa (lễ đâm trâu), lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Buôn Đôn, thi voi đá bóng, chạy, bơi, lễ cúng lúa mới (lễ mừng mùa) và cuối cùng là lễ tắm và cúng sức khỏe cho voi sau khi kết thúc các hoạt động của voi tại lễ hội.

Đến với lễ hội đua voi, du khách còn được thưởng thức những món ăn truyền thống của đồng bào Tây Nguyên.

Lễ mừng lúa mới

Lễ mừng lúa mới hay còn được gọi là Tết cơm mới hoặc Tết Hạ Nguyên, là lễ hội của các tộc người J'rai và Bahnar, thường diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 11 dương lịch năm trước cho đến tháng 1 năm sau trong khắp các tỉnh của Tây Nguyên, đặc biệt là ở Đắk Lắk.

Lễ mừng lúa mới được tổ chức hàng năm, với mục đích mừng mùa màng thuận lợi và để cúng tạ các vị thần đã giúp dân làng được mùa. Tùy theo từng dân tộc, các tổ chức sẽ có những đặc điểm riêng khác nhưng điểm chung thường thấy là các lễ hiến tế, ăn cơm mới,…

Đầu tiên, Lễ mừng lúa mới diễn ra trong cả buôn làng rồi từng nhà lại tổ chức riêng theo điều kiện của gia đình. Nhà nào khá giá thì thịt lợn, mời thầy cúng rồi chia thịt cho cả buôn làng, nhà nào khó khăn thì mua miếng thịt về cúng thần Pôm. Trong những ngày này cả buôn làng rộn ràng tiếng cồng chiêng và nô đùa của người dân.

Lễ Pơ thi (bỏ mả)

Lễ Pơ thi (bỏ mả) là lễ tiễn đưa linh hồn người đã khuất về với thế giới của Yàng (trời), là một trong những lễ hội lâu đời của người Gia Rai, in đậm dấu ấn văn hóa tín ngưỡng.

Theo già làng Ak: người Gia Rai rất trọng tình cảm, làm gì cũng muốn đi hai người. Khi đi làm rẫy, vợ mang gùi, chồng mang cuốc, cùng đi làm, cùng về nhà, cùng lo cái ăn cái mặc cho con cái. Nếu không may một người chết đi, người kia để tang từ 1-3 năm, người nhà không được mặc áo mới, không dùng đồ tốt, kiêng đi chơi. Đó là tục lệ được cộng đồng người Gia Rai rất coi trọng. Chỉ khi làm lễ bỏ mả xong thì mới xem như mãn tang...

Lễ Pơ thi của các dân tộc Tây Nguyên thường được tổ chức một năm sau khi một người mất, tuy là lễ hội của cả cộng đồng nhưng tại lễ này mỗi gia đình lại có cách riêng để sửa lại mồ mả hay tưởng nhớ người đã mất.

Lễ Pơ thi của người Đắk Lắk diễn ra để người còn sống có thể thực hiện hết bổn phận của mình với người đã khuất, sau lễ này người ta có thể yên tâm và chắc chắn rằng người đã khuất sẽ được đầu thai. Thế nên dù mặc tang phục nhưng với người dân Đắk Lắk đây vẫn được coi là một lễ hội vui nhất trong năm.

Lễ hội đâm trâu

Lễ hội đâm trâu là một trong những lễ hội truyền thống của người Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng, lễ hội nhằm mục đích tế thần linh hoặc những người đã có công chủ trì thành lập buôn làng, ăn mừng chiến thắng, ăn mừng mùa màng bội thu hay ăn mừng các sự kiện quan trọng khác.

Con trâu sẽ là vật hiến tế để cầu thần phù hộ cho buôn làng được khỏe mạnh, ấm no, để mừng ngày mùa hay để mừng chiến thắng. Tùy mỗi dân tộc mà lễ hội này sẽ có sự khác biệt về địa điểm, thời gian diễn ra và nghi thức phụ. Tuy nhiên, đâm trâm vẫn là mục chính của lễ hội này.

Chủ trì lễ hội đâm trâu đọc lời khấn cầu xin hay tạ ơn thần linh và mời thần linh xuống ăn thịt trâu, uống rượu cần. Chủ trì khấn xong thì các đội cồng chiêng bắt đầu diễn tấu. Đám đông dân làng ca múa, đấu võ, kể khan và ăn uống suốt đêm và đến sáng lễ đâm trâu mới bắt đầu. Nghi lễ đâm trâu là phần quan trọng bậc nhất của lễ hội. Các tráng sĩ được trang bị lao dài sẽ phóng lao giết trâu, vừa phóng lao vừa biểu diễn các bài võ thuật. Con trâu bị giết được đem xẻ thịt nhỏ chia cho các nhà trong buôn làng cùng liên hoan.

Lễ cúng bến nước

Lễ cúng bến nước là ngày hội lớn của buôn làng Ê Đê và là một trong những phong tục tập quán lâu đời nhất của dân tộc này. Lễ này được tổ chức hàng năm sau thu hoạch để cầu cho mưa thuận, gió hòa.

Lễ cúng bến nước được bắt đầu với một hồi chiêng ngân dài khi mà bà con trong vùng thắp hương cúng ông bà tổ tiên để báo cáo rằng con cháu đã về đông đủ. Đợi đến hồi chiêng thứ 2 thầy cúng sẽ thực hiện nghi thức cúng Yàng (cúng Trời) để cầu mưa.

Kết thúc lễ cầu mưa, các cô gái dân tộc trong trang phục truyền thống lưng đeo gùi theo thầy đến bến nước đầu buôn. Mỗi hoạt động này lại cách nhau một tiếng chiêng. Cuối cùng thầy cúng đọc lời khấn cầu mong Thần nước mang nước, nguồn sức sống quan trọng nhất đến cho buôn làng.

Buổi Lễ cúng bến nước kết thúc, người dân làng sẽ quây quần bên nhau, cùng uống rượu cần, kể chuyện về mùa màng hay ăn những món ăn truyền thống của dân tộc.

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột

Cà phê là cây trồng chủ đạo của nền nông nghiệp Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Vì vậy người dân nơi đây tổ chức lễ hội cà phê nhằm tôn vinh loại cây trồng đã giúp đời sống của bà con Đắk Lắk trở nên khấm khá hơn.

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột mang tầm vóc quốc gia, được tổ chức 2 năm một lần tại thành phố Buôn Ma Thuột - trung tâm văn hóa chính trị của tỉnh Đắk Lắk. Lễ hội chỉ mới bắt đầu vào năm 2005 nhưng đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu của người dân Tây Nguyên.

Ngoài quảng bá, tôn vinh cà phê và các sản phẩm làm từ nó, lễ hội còn thu hút khách du lịch bởi những hoạt động thú vị mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên như: tổ chức diễn tấu cồng chiêng, đi cà kheo, lễ diễu hành của voi và những hoạt động thể thao khác,...

Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới