TIN TỨC » Kiến thức

Tỉnh nào được mệnh danh là thủ phủ đá quý của Việt Nam?

Thứ ba, 17/12/2024 07:51

Nơi đây được gọi với nhiều cái tên như "vùng đất ngọc", "cội nguồn ruby" hay "thủ phủ đá quý".

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái, nhắc đến vùng đất Lục Yên, du khách sẽ nghĩ ngay đến phiên chợ “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam, chỉ bán mặt hàng đá quý. Đến đây, du khách có thể dễ dàng chọn cho mình viên đá quý để làm đồ trang sức, gửi gắm mong ước về sự bình an, may mắn, hạnh phúc và nếu có điều kiện kinh tế có thể làm “của để dành”.

Lục Yên được coi là thủ phủ đá quý, là nơi khởi phát, nguồn cội của những viên đá ruby, saphire, spinel… được đánh giá là đẹp hàng đầu thế giới.

Đá quý Lục Yên nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn cả ở nước ngoài. Ruby Lục Yên quý hiếm với độ cứng và màu sắc được đánh giá "đẹp hàng đầu thế giới". Vì vậy, Lục Yên được gọi với nhiều cái tên như "vùng đất ngọc", "cội nguồn ruby" hay "thủ phủ đá quý".

Đá quý được bày bán tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Báo Yên Bái

Yên Bái là tỉnh miền núi phía Bắc nằm ở trung tâm vùng núi và trung du Bắc Bộ Việt Nam, phía Tây Bắc giáp tỉnh Lào Cai và tỉnh Lai Châu; phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang; phía Đông Nam giáp tỉnh Phú Thọ và phía Tây giáp tỉnh Sơn La. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 6.892,67 km2, xếp thứ 5 so với 12 tỉnh thuộc vùng núi và trung du phía Bắc về quy mô đất đai.

Toàn tỉnh Yên Bái có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm Thành phố Yên Bái (thành phố Tỉnh lỵ); Thị xã Nghĩa Lộ; 07 huyện (Trạm Tấu; Mù Cang Chải; Văn Chấn; Văn Yên; Lục Yên; Trấn Yên; Yên Bình) với 168 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 146 xã, 12 phường, 10 thị trấn).

Với vị trí địa lý là cửa ngõ miền Tây Bắc, nằm trên trung điểm của một trong những tuyến hành lang kinh tế chủ lực Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, có hệ thống giao thông tương đối đa dạng đã tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi để Yên Bái tăng cường hội nhập và giao lưu kinh tế thương mại, phát triển văn hóa xã hội… không chỉ với các tỉnh trong vùng, các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước mà còn cả trong giao lưu kinh tế quốc tế, đặc biệt là với các tỉnh phía Tây Nam của Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN.

Cảnh đẹp Yên Bái

Yên Bái nằm ở vùng núi phía Bắc, có đặc điểm địa hình cao dần từ Đông Nam lên Tây Bắc và được kiến tạo bởi 3 dãy núi lớn đều có hướng chạy Tây Bắc - Đông Nam: phía Tây có dãy Hoàng Liên Sơn - Pú Luông nằm kẹp giữa sông Hồng và sông Đà, tiếp đến là dãy núi cổ Con Voi nằm kẹp giữa sông Hồng và sông Chảy, phía Đông có dãy núi đá vôi nằm kẹp giữa sông Chảy và sông Lô. Địa hình khá phức tạp nhưng có thể chia thành 2 vùng lớn: vùng cao và vùng thấp. Vùng cao có độ cao trung bình 600m trở lên, chiếm 67,56% diện tích toàn tỉnh. Vùng này dân cư thưa thớt, có tiềm năng về đất đai, lâm sản, khoáng sản, có khả năng huy động vào phát triển kinh tế - xã hội. Vùng thấp có độ cao dưới 600m, chủ yếu là địa hình đồi núi thấp, thung lũng bồn địa, chiếm 32,44% diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới