TIN TỨC » Kiến thức

Tỉnh nào ở Việt Nam có mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á?

Thứ năm, 27/06/2024 07:49

Mỏ quặng sắt lớn nhất Việt Nam là mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn. Nơi đây còn được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á.

Quặng sắt bao gồm các loại đất đá chứa khoáng chất như kim loại hoặc đá quý, nằm sâu dưới lòng đất và được khai thác trực tiếp từ các hầm mỏ khoáng sản. Sau khi khai thác, bằng phương pháp đặc thù, người ta có thể tách sắt ra khỏi đá và khoáng vật. Có tới gần 98% quặng sắt được khai thác sẽ được sử dụng vào sản xuất thép. Mỏ quặng sắt luôn được đầu tư và tìm kiếm để khai thác vì sự quan trọng và quý giá của chúng.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam, qua điều tra, tìm kiếm và thăm dò quặng sắt, đến nay cơ quan chức năng đã phát hiện được 216 mỏ và điểm quặng sắt với tổng trữ lượng khoảng 1,2 tỷ tấn. Trong đó, trữ lượng đã được thăm dò và đang khai thác khoảng hơn 761 triệu tấn.

13 mỏ đạt trữ lượng hơn 1 triệu tấn và sáu mỏ khả thi khai thác là mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh), vùng mỏ Trại Cau và Tiến Bộ (Thái Nguyên), mỏ Ngườm Cháng và Nà Lũng (Cao Bằng) và mỏ Quý Xa (Lào Cai). Trong đó, mỏ quặng sắt có trữ lượng lớn nhất Việt Nam hiện nay là Mỏ sắt Thạch Khê ở huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, đây được đánh giá là mỏ sắt có trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á. Mỏ sắt lớn nhất Việt Nam này nằm trên địa bàn 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà gồm: Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị và Thạch Lạc.

Mỏ quặng sắt lớn nhất Đông Nam Á là mỏ Thạch Khê ở Hà Tĩnh.

Vào năm 2008, dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư được triển khai với vốn đầu tư khoảng hơn 14.500 tỷ đồng, công suất khai thác giai đoạn một là 5 triệu tấn/năm; giai đoạn hai là 10 triệu tấn/năm và khai thác đến độ sâu âm 550 m. Công nghệ khai thác lộ thiên; trữ lượng 544 triệu tấn, trong đó 369 triệu tấn được huy động vào thiết kế khai thác; thời gian tồn tại của mỏ: 52 năm; tổng diện tích đất sử dụng 4.821 ha, gồm 3.898 ha trong đất liền và 923 ha lấn biển.

Dự án này có kỳ vọng sẽ giúp mang đến việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương đồng thời đáp ứng được nhu cầu tinh quặng sắt chất lượng cao và giá rẻ cho ngành luyện kim trong nước. Tuy nhiên, đến tháng 11/2011 dự án này đã phải tạm dừng vì gặp vướng mắc về huy động và góp vốn.

Hoàng Khuông (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới