TIN TỨC » Kiến thức

Tỉnh nào sẽ là thành phố trực thuộc trung ương tiếp theo của Việt Nam?

Thứ bảy, 28/09/2024 06:11

Muốn biết tỉnh nào sẽ là thành phố trực thuộc trung ương tiếp theo của nước ta, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông tin trong bài viết dưới đây nhé!

Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế đã định hướng, đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Ngày 9/9/2024, các thành viên của Chính phủ cũng đã thống nhất thông qua đề án thành lập thành phố trực thuộc trung ương. Dự kiến đề án sẽ được Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10/2024.

TP. Huế

Thừa Thiên Huế (còn được viết là Thừa Thiên - Huế) là một tỉnh ven biển nằm ở cực nam của vùng Bắc Trung Bộ, miền Trung, Việt Nam. Thừa Thiên Huế nằm trên trục giao thông quan trọng xuyên Bắc - Nam, trục hành lang Đông - Tây nối Thái Lan - Lào - Việt Nam theo đường 9. Thừa Thiên Huế ở vào vị trí trung độ của cả nước, nằm giữa thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai trung tâm lớn của hai vùng kinh tế phát triển nhất nước ta.

Tỉnh Thừa Thiên Huế nằm ở dải đất ven biển miền Trung Việt Nam, thuộc Bắc Trung Bộ, bao gồm phần đất liền và phần lãnh hải thuộc thềm lục địa biển Đông. Thừa Thiên Huế cách thủ đô Hà Nội 675 km về phía Nam, cách thành phố Đà Nẵng 94 km về phía Bắc với ranh giới tự nhiên là dãy núi Bạch Mã.

Nằm trên các trục giao thông quốc gia như đường sắt, đường bộ Bắc - Nam và tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, có cảng hàng không quốc tế Phú Bài, cửa khẩu quốc gia A Đớt, Hồng Vân, hải cảng Thuận An, đặc biệt, có cảng nước sâu Chân Mây là “cửa ngõ” ra biển ngắn nhất và thuận lợi nhất của các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông; bên cạnh đó sự đa dạng về cảnh quan thiên nhiên và có bề dày truyền thống lịch sử - văn hoá, Thừa Thiên Huế thật sự là nơi lý tưởng để du lịch.

Thừa Thiên Huế là kinh đô Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn, các giá trị di sản văn hóa nơi đây vừa hội tụ những đặc trưng và tinh hoa của văn hóa dân tộc, vừa thể hiện nét riêng hấp dẫn của một vùng văn hóa. Văn hoá Huế phong phú và đa dạng, bao gồm: Văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể, cảnh quan thiên nhiên, môi trường,...

Với quần thể di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc Cung đình Huế - Di sản văn hoá thế giới, Thừa Thiên Huế là Trung tâm của con đường hành trình di sản văn hoá thế giới của Việt Nam: Hạ Long - Phong Nha - Huế - Hội An - Mỹ Sơn - đường Hồ Chí Minh đã tạo ra sự liên kết về du lịch với các tuyến du lịch ở Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam,...

Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế là nơi hội tụ các tiềm năng thế mạnh về biển, đồng bằng, gò đồi, rừng núi; có bờ biển dài 128 km, với nhiều bãi biển đẹp như Lăng Cô (vừa được công nhận là thành viên của câu lạc bộ những vịnh biển đẹp nhất thế giới), Thuận An, Cảnh Dương và đặc biệt là hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có tổng diện tích gần 22.000 ha, thuộc vào loại lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới