TIN TỨC » Kiến thức

Trồng rau trên sân thượng không khó, nhưng làm sao để thu hoạch được nhiều và nước tưới không bị ngấm xuống nhà thì đây là bí quyết

Thứ năm, 06/01/2022 09:43

Để có vườn rau củ quả sai trái khi trồng trên sân thượng, bạn có thể tham khảo một số mẹo dưới đây.

Với những người sinh sống ở thành phố chật chội thì việc trồng rau trên sân thượng rất phổ biến. Bên cạnh những người "mát tay" khoe cây trái xum xuê, rau xanh tốt thì cũng có người chán nản vì cây cối không lên được. Chưa kể đến việc nước tưới cây trên sân thượng bị ngấm xuống không gian sinh sống của cả nhà gây bất tiện.

Để tránh việc này, một thành viên cứng của hội nghiện nhà đã chia sẻ loạt bí quyết để khắc phục, bạn có thể tham khảo:

Cách chăm bón rau:

- Đất chậu khác đất vườn nên bồi chất dinh dưỡng cho đất cao hơn, dày hơn.

- Khi đảo vụ thì rắc vôi bột sau khi để đất nghỉ hoặc sau khi ươm cây thì để cây ngóc lá cao hãy rắc vôi (Vì vôi trị ốc, sâu rất tốt, nhưng rắc bề mặt lá mầm là hỏng do vôi nóng).

Kinh nghiệm khi trồng rau trên sân thượng.

- Với rau mầm thì lượng mỗi chậu nên tách ra đều, rẽ luống nhỏ như ươm ở vườn, không vì nhìn thưa thớt mà ươm dầy quá sẽ không đủ dưỡng cho rau.

- Với các cây thụ phấn nếu có ong bướm thì tốt, không thì người trồng tự thụ phấn( thông thường các cây nên thụ phấn buổi sáng, riêng với bầu thì thụ buổi tối vì bầu nở hoa về tối).

Người trồng có thể chủ động thụ phấn để cây sai trái.

- Với các loại cây đang ra hoa, trong quá trình tưới nên tưới lên hoa làm mất phấn, chỉ nên tưới gốc cho tới khi thụ được quả.

- Các loại cây, củ, quả thì nên bấm tỉa lá to mập để nhằm kích thích cho phần quả, củ được tập trung dưỡng chất.

- Nếu sau cơn mưa đất có bị trôi phần màu thì hãy bổ sung cho đất, sân thượng lem bắn đất nên chịu khó rửa ngay sau mưa sẽ giúp sân trôi bẩn nhanh, không bắt cáu. Sân thượng nên hàng năm chát mạch các liên kết gạch để tránh hiện tượng ngấm sân thượng. Và phần chắn rác để thoát nước cần chú trọng và kiểm tra liên tục nhằm tranh hiện tượng tắc nghẽn do rác bẩn ứ đọng.

Để nước tưới không bị ngấm xuống tầng, hàng năm nên chát lại các mạch giữa các viên gạch.

- Thành phần đất trồng bao gồm: 4 phần đất vi sinh, 3 phần đất thịt, 1 phần sơ dừa, 1 phần phân trùn quế, 1 phần đạm lân tổng hợp NPK, trộn đều, rắc mỗi chậu thùng 2 nắm vôi bột triệt sâu, ốc, nấm bệnh... sau 3,4 ngày thì hãy ươm hạt hoặc trồng cây mầm.

Mua chậu hoặc thùng xốp nên có lớp lót cách đáy thùng hoặc chậu 2cm để chậu, thùng luôn luôn giữ chút ẩm đáy những ngày nắng bốc hơi, ngang lớp cách đáy đó là khoan lỗ 2 bên nhằm để những lúc mưa thoát nước không chậu bị úng...

Một góc vườn rau xanh mướt của mẹ đảm.

Mùa đông không tưới nhiều, chủ yếu thi thoảng rắc vôi bột, 1 tháng rưỡi lại hoà phân tưới lên cây đang trưởng thành. Mùa hè thì tưới buổi sáng sớm, chiều đẫm nước, nắng nóng thì trưa khoảng 11h phun nhẹ 1 lượt mặt đất cây trưởng thành, không tưới lá...

Bồi dưỡng đất bằng vỏ trứng gà thì rửa sạch, phơi nắng, đập nhỏ rắc đều lên mặt đất giúp cây có thêm canxi, triệt sâu và ốc sên nhỏ, thi thoảng ủ thêm chút ruột cá, bã hoa quả xin các tiệm ép trái cây rồi nhồi xuống đất để tạo dưỡng chất cho cây. Chăm chỉ hơn thì có thể ngâm đỗ tương làm phân để tưới, bồi phân gà trộn ủ rắc lên.

Nguồn fb: Hà Phạm

Thủy Chi (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới