TIN TỨC » Kiến thức

Trong 'Tam Quốc', vì sao trước khi chết Gia Cát Lượng dặn quân đặt bảy hạt gạo vào miệng, mục đích ngậm gạo để làm gì?

Thứ ba, 11/04/2023 21:46

Gia Cát Lượng được xem là vị cao nhân “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, sở hữu tài năng tiên đoán mọi việc vô cùng chuẩn xác ở thời Tam Quốc.

Trong tác phẩm "Tam Quốc Diễn Nghĩa", Gia Cát Lượng là thừa tướng nước Thục, cả đời cúc cung tận tụy phò tá vua, vạch kế hoạch phát triển cho quốc gia. Ông đã tự cầm quân nhiều lần chinh phạt nước Ngụy tuy nhiên đều không thành công. Và trong cuộc chinh phạt lần thứ 6, tại Kỳ Sơn, Gia Cát Lượng lâm bệnh nặng, cho quân đóng ở gò Ngũ Trượng, tránh giao chiến với quân Ngụy. Ông tiên đoán rằng tuổi thọ của mình đã hết, ông đã cố gắng dùng phép dâng sao, trong vòng 7 ngày bày ra 49 cây đèn quay quanh cây đèn chủ mạng của ông nhằm xin trời cao cho kéo dài mạng sống. Thật không may, Ngụy Diên là người đã phá kế hoạch của ông.

(Ảnh minh họa)

Khương Duy thấy vậy giận lắm, rút gươm muốn giết Ngụy Diên, nhưng Gia Cát Lượng cản lại, than rằng: "Số trời như thế, không sao trái được". Ông gọi Khương Duy lại truyền thụ 24 thiên binh thư do mình viết ra. Ông đã viết lại binh thư, kế sách, dặn dò di ngôn, chỉ vì muốn quân Thục có thể an toàn bảo trì lực lượng. Trước khi qua đời, Gia Cát Lượng viết tờ di biểu dâng lên hậu chủ, xong xuôi lại dặn dò Dương Nghi rằng:

"Sau khi ta chết không thể làm đám tang, phất cờ đánh trống, các ngươi hãy làm một cái bàn thờ lớn, để thi thể của ta ngồi ở trên, trong miệng ngậm bảy hạt gạo, dưới chân đặt một ngọn đèn sáng, trong quân cứ giữ vẻ yên ổn như thường, không được than khóc buồn bã. Như vậy thì sao Tướng Tinh mới không rơi xuống, âm hồn ta tự khắc cũng nhấc lên được. Tư Mã Ý thấy sao Tướng Tinh không sa, tất nhiên sẽ không dám khinh cử vọng động, quân ta mới có thể âm thầm từng nhóm từng nhóm chậm rãi rút lui. Nếu như Tư Mã Ý đuổi theo, ngươi nên dàn thành trận thế, quay cờ đánh trống trở lại, rồi đẩy xe có tượng gỗ của ta ra phía trước quân, lệnh cho tất cả tướng sĩ đứng dàn hai bên trái phải, Tư Mã Ý nhìn thấy, tất sẽ sợ hãi bỏ chạy".

(Ảnh minh họa)

Vậy tại sao Gia Cát Lượng lại đặc biệt yêu cầu đút hạt gạo vào miệng?

Trong di thư Gia Cát Lượng đã từng giải thích: "Như vậy thì sao Tướng Tinh mới không rơi, âm hồn ta tự khắc cũng nhấc lên được", nhưng lại không nói lý do vì sao ngậm gạo thì sao Tướng Tinh sẽ không rơi. Sau này vào cuối thời nhà Đường có một văn nhân tên là Trần Cái đã viết bài "Ngũ Trượng Nguyên Thi" miêu tả câu chuyện này.

Gia Cát Lượng dặn dò khi ông chết đặt thi thể trên bàn, trong miệng để bảy hạt gạo và một lượng nước thích hợp, biểu thị vẫn còn khả năng ăn uống như người đang sống.

Trong thực tế nghi thức này đã có từ lâu đời. Để một số đồ vật trong miệng người đã khuất rồi liệm xác và chôn cất là một tập tục, thời cổ đại gọi là "ngậm", cũng gọi là "ngọc trong miệng"… Những thứ mà người chết thường ngậm là ngọc, gạo, ngũ cốc. Nếu ngậm các loại lương thực nói chung thì đều được gọi là "ngậm gạo", nếu ngậm châu báu ngọc ngà thì đều gọi là "ngậm ngọc". Gia Cát Lượng không phải chư hầu, chức vị Thừa Tướng của ông được xem như một cấp của đại phu, cho nên ngậm gạo là phù hợp với thân phận ấy.

Vậy tại sao Gia Cát Lượng lại chỉ yêu cầu để đúng 7 hạt gạo vào miệng?

Tại sao con số 7 lại được coi là huyền diệu trong thời cổ đại? Số 7 có gì khác biệt so với các con số khác? Trên thực tế, 7 là một con số rất kỳ diệu từ góc độ phong tục dân gian truyền thống phương Đông, ví dụ như người ta thường nói rằng số 7 là tái sinh, như tuần có bảy ngày, thất tình hay thất tịch để nói về tình cảm của con người. Ngoài ra, trong tập tục mai táng của người phương Đông, số 7 hàm chứa một ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Ví dụ vào tháng 7 Âm lịch, ngày rằm là tết Trung Nguyên, cũng gọi là "Tết quỷ", "Xá tội vong nhân", là ngày được dân gian cho rằng bách quỷ cùng nhau chu du khắp nhân gian, người xưa có tập tục đốt vàng mã, thắp nến cúng... Ngoài ra, những người đã khuất sau 7 ngày qua đời cần phải làm "Thất Đầu", bởi vì sau khi chết 7 ngày thì linh hồn sẽ trở về nhà, do đó người nhà cần phải chuẩn bị cơm canh nghênh đón. Sau đó liên tục làm pháp sự, qua bảy bảy bốn mươi chín ngày mới có thể siêu độ vong linh cho người đã khuất. Vì vậy dùng 7 hạt gạo cũng chính là mượn dùng thâm ý của con số "bảy" thần bí trong văn hóa Đông phương.

Tạo hình nhân vật Gia Cát Lượng trong phim ''Tam quốc diễn nghĩa" phiên bản năm 1994.

Gia Cát Lượng dặn bỏ bảy hạt gạo vào miệng cũng vì chịu ảnh hưởng của thiên văn, vì một chu kỳ trăng tròn là 28 ngày, 7 ngày là một chặng. Người cổ đại rất mê tín nên họ thích ngắm trời vào ban đêm, thậm chí triều đình còn có cơ quan chuyên quan sát các vì sao, mặt trời, mặt trăng để nghiên cứu các thay đổi, dự đoán hiện tượng từ thiên văn.

Ngoài ra, việc dựa vào thiên tượng để định quốc sự cũng là những chi tiết làm tăng thêm một số bí ẩn về cái chết của Gia Cát Lượng. Việc ông yêu cầu sau khi chết phải ngậm bảy hạt gạo trong miệng, thực ra mục đích là để khơi mào cho sự cống hiến của Gia Cát Lượng với nước Thục. Gia Cát Lượng cả đời làm việc cật lực để giúp phục hồi nhà Hán, đến khi chết vẫn nghĩ đến quốc gia và xã hội của nhà Thục Hán, nếu không phải ông đã dốc sức làm mọi việc lớn, nhỏ thì đã không bị lao lực mà chết sớm ở tuổi 54.

Hoàng Anh (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới