TIN TỨC » Kiến thức

Trong 'Tây Du Ký' thầy trò Đường Tăng đi Tây Trúc thỉnh kinh, vậy Tây Trúc nằm ở đâu?

Thứ bảy, 11/05/2024 19:42

Mỗi khi ai hỏi về hành trình của mình, Đường Tăng thường trả lời: "Bần tăng từ Đại Đường đông thổ đến Tây Trúc thỉnh kinh".

Theo tiểu thuyết "Tây Du Ký" của Ngô Thừa Ân, để thỉnh được chân kinh, thầy trò Đường Tăng phải vượt quãng đường 10 vạn 8 nghìn dặm từ Đại Đường đông thổ đến nước Tây Trúc, trải qua 81 khổ nạn, phải đối mặt và chiến đấu với đủ loại yêu quái mới thành chính quả.

Theo các nhà nghiên cứu, Tây Trúc được nói đến trong "Tây Du Ký" hiện tại thuộc lãnh thổ Pakistan, thời cổ đại thuộc về vương quốc Maurya, một trong những thế lực hùng mạnh ở lục địa Ấn Độ. Một trong những vị hoàng đế nổi tiếng nhất của nó là Ashoka (A Dục vương), một người dùng đạo Phật và có công rất lớn trong việc truyền bá, phát triển tôn giáo này trong khu vực.

Thầy trò Đường Tăng trong phim "Tây Du Ký" 1986.

Thị trấn nhỏ tên gọi là Taxila nằm cách thủ đô Islamabad của Pakistan hơn 30 km về phía Bắc hiện tại có nhiều di tích quan trọng của Phật giáo với niên đại trên 3.000 năm. Taxila phát triển đến đỉnh cao dưới thời Ashoka đại đế. Trong thiên niên kỷ thứ nhất, Taxila không chỉ là trung tâm Phật học mà còn trở thành một trong 3 trung tâm quan trọng về thương mại, văn hóa và học thuật của vùng Ấn Độ cổ đại.

Một di tích ở Taxila, Pakistan.

Theo nghiên cứu, địa danh Taxila nổi tiếng là nơi Đường Huyền Trang - vị cao tăng Trung Quốc, nguyên mẫu nhân vật Đường Tăng trong tiểu thuyết "Tây Du Ký". Năm 647, cao tăng Đường Huyền Trang sống ở triều đại nhà Đường đã đến vùng đất là Pakistan ngày nay để lấy kinh. Tại đây, ông bắt đầu tìm thầy học đạo, nghiên cứu về Phật học tại đại học Na Lan Đà - trung tâm tu học Phật giáo lúc bấy giờ.

Trong "Tây Du Ký", quãng đường mà Đường Tăng đi được mô tả dài 10 vạn 8 ngàn dặm, tương đương với khoảng 54.000 km. Con đường ông đi đã qua các vùng Tân Cương, Afganistan, Pakistan, Nepal, Ấn Độ… Ông ở Taxila hàng chục năm cho đến khi trở lại Trung Quốc cùng với khi kinh sách quý giá gồm 600 bộ bằng tiếng Phạn. Pháp sư Đường Huyền Trang sau đó còn dành ra gần 2 thập kỷ nữa để dịch 74 bộ trong số đó sang tiếng Hán.

Đến năm 1918, Viện bảo tàng Taxila được xây dựng tại đây để lưu giữ và trưng bày các di vật khảo cổ Phật giáo và nghệ thuật điêu khắc Gandhara. Khu vực khảo cổ hiện đại của Taxila bao gồm 18 địa điểm có giá trị văn hóa quan trọng được đưa vào danh sách di sản thế giới của UNESCO vào năm 1980.

Không chỉ là điểm cuối trong hành trình thỉnh kinh của Đường Tăng, Taxila còn là một trạm dừng chân của con đường tơ lụa kết nối văn hóa Đông - Tây trên lục địa Á - Âu từ hơn 1.400 năm trước. Con đường này kéo dài từ kinh đô Trường An của Trung Quốc về hướng Bắc hay Nam, cuối cùng đều sẽ tụ họp tại Pakistan.

Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới