TIN TỨC » Kiến thức

Trường hợp nào phải tạm dừng hưởng trợ cấp xã hội, tạm dừng hưởng lương hưu trong năm 2024?

Thứ tư, 27/03/2024 06:19

Lương hưu là quyền lợi hợp pháp của người lao động sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ lao động và đóng BHXH, nhằm ổn định cuộc sống cho người lao động khi hết tuổi lao động

Theo quy định hiện hành, người lao động làm việc trong điều kiện bình thường khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và đủ điều kiện về tuổi đời (tuổi nghỉ hưu kể từ ngày 1/1/2024 là đủ 61 tuổi đối với lao động nam và đủ 56 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ.

Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến đủ 60 tuổi vào năm 2035) thì được hưởng chế độ hưu trí.

Chế độ hưu trí là chế độ quan trọng nhất của hệ thống các chế độ BHXH, lương hưu là quyền lợi hợp pháp của người lao động sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ lao động và đóng BHXH, nhằm ổn định cuộc sống cho người lao động khi hết tuổi lao động.

Chế độ hưu trí bao gồm 2 quá trình là đóng và hưởng. Quá trình đóng được thực hiện khi người lao động bắt đầu tham gia BHXH và quá trình hưởng bắt đầu từ khi người lao động nghỉ việc hưởng lương hưu cho đến khi qua đời.

Người hưởng chế độ hưu trí được hưởng lương hưu hằng tháng đến trọn đời, được cấp thẻ BHYT miễn phí và được hưởng các chế độ liên quan của người hưởng lương hưu.

Cắt lương hưu trong trường hợp nào?

Trường hợp người lao động qua đời, theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí sẽ được giải quyết hưởng lương hưu hằng tháng đến trọn đời.

Người này chỉ bị tạm dừng hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật này bao gồm: Xuất cảnh trái phép; bị Tòa án tuyên bố là mất tích; có căn cứ xác định việc hưởng bảo hiểm xã hội không đúng quy định của pháp luật.

Lương hưu sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội tiếp tục chi trả khi người xuất cảnh trở về định cư hợp pháp hoặc khi có quyết định hủy bỏ tuyên bố mất tích hoặc khi người lao động đáp ứng đủ điều kiện hưởng lương hưu. Tuy nhiên, nếu người lao động qua đời, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ dừng chi trả lương hưu mà thay vào đó, sẽ thực hiện giải quyết chế độ tử tuất khi thân nhân người lao động yêu cầu.

Chế độ tử tuất được hưởng bao gồm: Trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất.

Trợ cấp mai táng = 10 lần mức lương cơ sở (theo Điều 66 và Điều 80 Luật Bảo hiểm xã hội).Trợ cấp tuất bao gồm: Trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp tuất hằng tháng.

Theo Điều 69 và Điều 70 Luật Bảo hiểm xã hội, thân nhân người lao động sẽ được hưởng trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp tuất hằng tháng (tùy đối tượng cụ thể) nếu trước đó người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Trường hợp người lao động đang hưởng lương hưu ra nước ngoài để định cư mà có nhu cầu hưởng trợ cấp một lần thay cho lương hưu. Theo Điều 65 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và khoản 1 Điều 21 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, người đang hưởng lương hưu hằng tháng ra nước ngoài để định cư vẫn được tiếp tục được chi trả lương hưu.

Tuy nhiên, nếu người này có yêu cầu hưởng trợ cấp một lần thì cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ chi trả trợ cấp một lần và cắt lương hưu hằng tháng đang hưởng.

Trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì thân nhân chỉ được trợ cấp tuất một lần (theo Điều 81 Luật Bảo hiểm xã hội).

Trường hợp bị cắt lương hưu do đi định cư nước ngoài thì được nhận trợ cấp một lần.

Căn cứ khoản 2 Điều 65 Luật Bảo hiểm xã hội, người đi định cư nước ngoài được hưởng trợ cấp một lần như sau: Trợ cấp một lần = (1,5 lần mức lương hưu hằng tháng đang hưởng x Số năm đóng BHXH trước 2014) + (1,5 lần mức lương hưu hằng tháng đang hưởng x Số năm đóng BHXH từ 2014) - (0,5 lần mức lương hưu hằng tháng đang hưởng x Số tháng đã hưởng lương hưu).

Mức trợ cấp thấp nhất = 3 lần mức lương hưu hằng tháng đang hưởng.

2 trường hợp tạm dừng hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng

Theo khoản 3 Điều 2 Thông tư 02/2021/TT-BLĐTBXH quy định về 03 trường hợp tạm dừng hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng như sau:

- Đối tượng không nhận chế độ, chính sách liên tục từ 03 tháng trở lên;

- Đối tượng không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định lại mức độ khuyết tật, xác định lại điều kiện hưởng trợ giúp xã hội hoặc thông tin khác phục vụ công tác quản lý đối tượng.

- Đối tượng bị tạm giam từ 01 tháng trở lên đối với trường hợp đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới