Từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ. Nhưng bước sang năm 2024, quy định về độ tuổi nghỉ hưu với người lao động sẽ có thay đổi.
Độ tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ có những thay đổi nhất định khi bước sang năm 2024 (Ảnh minh họa)
Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Theo quy định mới nhất vào năm 2024 độ tuổi nghỉ hưu của người lao động nam sẽ là 61 tuổi, lao động nữ sẽ là 56 tuổi 4 tháng.
Lưu ý: Độ tuổi này áp dụng đối với người lao động trong điều kiện lao động bình thường. Đồng thời, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu mỗi năm như trên chỉ áp dụng cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Đối tượng được nghỉ hưu vào năm 2024:
(Ảnh minh họa)
Người lao động đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm (trừ trường hợp lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đóng BHXH từ đủ 15 năm) và đủ tuổi nghỉ hưu vào năm 2024 sẽ được xem xét giải quyết hưởng lương hưu hằng tháng.
Cụ thể, theo Điều 169 và Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019 và hướng dẫn tại Nghị định 135/2020/NĐ-CP, những người lao động sinh vào các tháng sau đây sẽ được xem xét nghỉ hưu trong năm 2024:
Người làm việc trong điều kiện bình thường:
- Đối với lao động nam: Sinh vào tháng 3/1963 đến tháng 11/1963.
- Đối với lao động nữ: Sinh vào tháng 12/1967 đến tháng 7/1968.
Trường hợp được nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi:
- Đối với lao động nam: Sinh vào tháng 3/1968 đến tháng 11/1968.
- Đối với lao động nữ: Sinh vào tháng 12/1972 đến tháng 7/1973.
Trường hợp được nghỉ hưu sớm hơn 10 tuổi:
- Đối với lao động nam: Sinh vào tháng 3/1973 đến tháng 11/1973.
- Đối với lao động nữ: Sinh vào tháng 12/1977 đến tháng 7/1978.
(Ảnh minh họa)
Những đối tượng được hưởng trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu:
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì người lao động được hưởng trợ cấp 1 lần khi về hưu nếu thuộc 01 trong các trường hợp sau:
Đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian tham gia BHXH nhỏ hơn 20 năm. Độ tuổi nghỉ hưu được quy định trong Điều 15, Mục 3 của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.
Chưa tham gia đủ 20 năm đóng BHXH, sau khi nghỉ việc được 1 năm và không còn tham gia BHXH nhưng có yêu cầu nhận chế độ trợ cấp 1 lần.
Đang mắc một số bệnh nghiêm trọng như: bệnh lao mức độ nặng, tất cả các loại ung thư, giai đoạn cuối của xơ gan (xơ gan cổ chướng), hội chứng suy giảm miễn dịch ở người (HIV) giai đoạn 3 (AIDS).
Mắc một số căn bệnh khác (ngoài những bệnh đã liệt kê ở trên) mà khả năng lao động bị suy yếu. Hoặc người bị tật, khuyết tật mức độ tối thiểu là 81%.
Không còn định cư ở trong nước, đã ra nước ngoài sinh sống.
Thủ tục hưởng trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu:
(Ảnh minh họa)
Hồ sơ để hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu gồm:
Sổ Bảo hiểm xã hội bản chính
Đơn đề nghị hưởng Trợ cấp Bảo hiểm xã hội một lần theo mẫu số 14-HSB
Người lao động khi đến làm thủ tục tại cơ quan BHXH cần mang theo thẻ CMND/ CCCD để đối chiếu thông trên tờ khai.
Trường hợp, nếu bạn ra nước ngoài để định cư, bạn cần có thêm giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc hộ chiếu cá nhân do nước ngoài cấp.
Trường hợp mắc một số bệnh hiểm nghèo nguy hiểm hoặc bị tật, khuyết tật như đã quy định ở điều kiện tính hưởng thì bạn cần cung cấp các giấy tờ liên quan của bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế.