TIN TỨC » Kiến thức

Tuyển sinh Đại học 2024: Đây là những ngành học 'tỷ lệ chọi' thấp, nộp là dễ trúng, nhiều ngành có điểm chuẩn chỉ 16-17 điểm

Thứ hai, 15/07/2024 10:29

Dự kiến vài ngày nữa thí sinh sẽ biết điểm thi tốt nghiệp THPT 2024, từ đó lấy cơ sở để xét tuyển Đại học. Từ bây giờ, không ít phụ huynh và học sinh cũng đang nghiên cứu ngành học phù hợp với số điểm có thể đạt được.

Theo kế hoạch, chậm nhất là 17 giờ 00 ngày 30/6/2024, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển về các cơ sở đào tạo. Chậm nhất là ngày 10/7/2024, cơ sở đào tạo xét tuyển thẳng và thông báo kết quả cho thí sinh. Cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển xét tuyển thẳng lên Hệ thống.

Từ ngày 22/7 đến 17 giờ 00 ngày 31/7/2024, thí sinh diện xét tuyển thẳng xác nhận nhập học trên Hệ thống (nếu có). Chậm nhất ngày 10/7, các trường đại học xét tuyển sớm và thông báo kết quả cho thí sinh để đăng ký xét tuyển trên hệ thống, đồng thời, cập nhật danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm lên hệ thống.

Từ ngày 18/7, các thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ và được điều chỉnh nguyện vọng, không giới hạn số lần đến 17 giờ ngày 30/7. Chậm nhất ngày 21/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) với khối ngành sức khỏe và sư phạm, sau đó xử lý nguyện vọng xét tuyển của thí sinh từ ngày 13/8 đến 17 giờ ngày 17/8.

Trước 17 giờ ngày 19/8, các trường phải công bố điểm chuẩn, thông báo cho thí sinh trúng tuyển đợt 1. Đến 17 giờ ngày 27/8, thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống. Từ ngày 28/8, các cơ sở đào tạo thông báo tuyển sinh đợt bổ sung. Từ tháng 9 đến tháng 12, các cơ sở đào tạo xét tuyển các đợt tiếp theo, cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định.

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 được tổ chức từ ngày 27-28/6. Điểm thi dự kiến công bố từ 8 giờ sáng 17/7. Thời gian xét công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông cho học sinh chậm nhất ngày 19/7.

Giữa lúc thí sinh đổ xô vào những ngành học được xem là “hot” hoặc mang tính xu hướng như truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng, trí tuệ nhân tạo, thiết kế vi mạch, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, y dược… thì vẫn còn rất nhiều ngành học tại nhiều trường có số lượng hồ sơ thấp.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho biết tại trường, các ngành công nghệ kỹ thuật môi trường, chế biến thủy sản, công nghệ nhiệt lạnh... thường rất ít thí sinh nộp hồ sơ, mỗi năm chỉ tuyển đủ một lớp dù điểm chuẩn của những ngành này trong mấy năm qua chỉ dao động ở mức 16-17. Vì thế thí sinh nào lựa chọn những ngành này sẽ giảm áp lực cạnh tranh và tăng cơ hội trúng tuyển.

Tại Trường ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM, thạc sĩ Nguyễn Phước Đại, Trưởng phòng Đào tạo, cho hay hiện nay trường vẫn còn nhiều chỉ tiêu cho các ngành thuộc nhóm du lịch như quản trị khách sạn quản trị dịch vụ du lịch - lữ hành.

"Kết quả khảo sát cho thấy 100% sinh viên tốt nghiệp ngành quản trị khách sạn và 97,8% sinh viên tốt nghiệp ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành có việc làm một năm sau khi tốt nghiệp. Do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh những năm 2020, 2021 nên có lẽ nhiều thí sinh vẫn còn e ngại chọn nhóm ngành này dù nhu cầu nhân lực trong vài năm gần đây tăng rất nhiều", thạc sĩ Đại thông tin.

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm truyền thông của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, một số ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ như công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, quản lý tài nguyên và môi trường… tại trường có tỷ lệ thí sinh đăng ký thấp hơn so với mặt bằng chung.

“Chỉ tiêu của các ngành này từ 80-100 nhưng số lượng nguyện vọng đăng ký không nhiều như những ngành thu hút khác, dẫn đến mức độ cạnh tranh, hay còn gọi là "tỷ lệ chọi" không cao, nên điểm chuẩn những ngành này thường ở mức trung bình, chỉ 16-17 điểm”, thạc sĩ Xuân Dung cho biết.

Trong khi đó, những ngành học mới mang tính liên ngành tại Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, lại đang chưa nhận được nhiều sự quan tâm từ thí sinh. Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh của trường, chia sẻ: “Nhiều thí sinh và phụ huynh có xu hướng chọn các ngành truyền thống vì tin rằng những ngành này ổn định và dễ tìm việc hơn. Điều này dẫn đến việc các ngành mới dù có tiềm năng nhưng lại ít được quan tâm. Đơn cử như nhóm ngành 'lai công nghệ' tại trường như công nghệ giáo dục, kinh doanh số hay công nghệ thông tin y tế… đang nhận được khá ít hồ sơ”.

Hoàng Lê (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới