Vạch kẻ đường hình thoi có ý nghĩa gì?
Theo quy định tại Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, vạch này là vạch chỉ dẫn sắp đến chỗ có bố trí vạch đi bộ qua đường, ký hiệu là vạch 7.6.
Nói cách khác, vạch kẻ đường hình thoi giúp cảnh báo người tham gia giao thông về việc sắp đến đoạn đường được bố trí vạch đi bộ qua đường. Các bác tài cần chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường để tránh gây tai nạn đáng tiếc.
Vạch 7.6 được sơn màu trắng, có dạng hình thoi với độ dài hai đường chéo lần lượt là 2,5m và 1m. Các hình thoi vẽ cách nhau từ 10 - 20m đảm bảo đủ để tài xế có thể chú ý quan sát.
Các vạch này được bố trí cách vạch đi bộ qua đường từ 30 - 50m, đủ xa để tài xế có thể giảm tốc độ và thực hiện nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Thấy vạch kẻ đường hình thoi, tài xế cần làm gì?
Vạch kẻ đường nói chung là một dạng báo hiệu để hướng dẫn, điều khiển giao thông nhằm nâng cao an toàn và khả năng thông xe.
Theo Điều 9 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện bắt buộc phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ, trong đó có vạch kẻ đường.
Do đó, khi thấy vạch kẻ đường hình con thoi, người tham gia giao thông phải tuân thủ chỉ dẫn của loại biển này. Cụ thể như sau:
Vạch 7.6: Vạch chỉ dẫn sắp đến chỗ có bố trí vạch đi bộ qua đường.
Ý nghĩa sử dụng: Vạch 7.6 sử dụng để báo hiệu sắp đến chỗ có bố trí vạch đi bộ qua đường; đặc biệt đối với các chỗ bố trí vạch đi bộ qua đường ở giữa đoạn đường nối hai nút để cảnh báo người lái xe phải nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Như vậy, khi nhìn thấy vạch kẻ đường hình thoi, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ, chú ý quan sát vì phía trước có đường dành riêng cho người đi bộ.
Trường hợp có dấu hiệu người đi bộ qua đường trong khu vực vạch dừng thì người điều khiển phương tiện còn phải dừng xe lại để nhường đường cho người đi bộ.
Không tuân thủ vạch kẻ đường hình thoi bị phạt thế nào?
Như đã đề cập, các phương tiện tham gia giao thông khi thấy vạch kẻ đường hình thoi phải chú ý quan sát để nhường đường cho người đi bộ ở đoạn đường gần đó.
Nếu không chú ý quan sát tại những nơi bố trí vạch kẻ đường này, người tham gia giao thông rất dễ gây tai nạn đáng tiếc. Lúc này, người điều khiển phương tiện không chỉ bị phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông mà còn phải chịu trách nhiệm cho người bị tai nạn do mình gây ra.
Thứ nhất, về mức phạt vi phạm giao thông.
Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, không tuân thủ vạch kẻ đường hình thoi, người tham gia giao thông sẽ bị phạt về lỗi không chấp các chỉ dẫn của vạch kẻ đường với mức phạt như sau:
Thứ hai, trách nhiệm bồi thường khi xảy ra tai nạn giao thông.
Theo Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015, phương tiện giao thông được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Theo đó, người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ mà gây thiệt hại có trách nhiệm phải bồi thường.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm: Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm; Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm.