TIN TỨC » Kiến thức

Văn khấn ông Công ông Táo chuẩn nhất năm 2022 và những kiêng kỵ cần lưu ý

Thứ sáu, 21/01/2022 13:16

Cúng ông Công ông Táo (23 tháng chạp) là một nghi lễ truyền thống của người dân Việt Nam. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ đến bạn những điều cần lưu ý và bài văn khấn ông Công ông Táo chuẩn nhất.

23 tháng Chạp hằng năm là ngày ông Công ông Táo lên chầu trời, là ngày lễ quan trọng trong tâm thức người Việt. Vào ngày này, mỗi gia đình lại làm mâm cỗ cúng tiễn ông Táo về trời.

Lễ cúng thường được thực hiện trước giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp (tức là trước 11 giờ trưa) hoặc tùy thuộc điều kiện nhiều gia đình có thể làm cơm cúng vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp.

Đồ lễ cúng ông Công ông Táo thường bao gồm 1 bộ mã ông Công và 3 bộ mã ông Táo. Ngoài ra, bày biện mâm cơm được chuẩn bị tươm tất với xôi, gà, nem, canh măng miến,... cùng hương hoa, cau trầu,...

Theo dân gian, phương tiện đưa các Táo về chầu trời là cá chép vàng, cho nên, vào ngày lễ này, các gia đình Việt đều cúng cá chép. Phần lớn, các gia đình thường mua 3 con cá chép vàng thả vào chậu nước cạnh mâm cỗ, sau khi làm lễ mang ra sông, hồ thả với ngụ ý "cá chép hoá rồng" đưa các Táo về trời.

Không chỉ vậy, cá vàng "vượt Vũ môn", "hoá rồng" còn tượng trưng cho sự thăng hoa, tinh thần can trường vượt khó, vượt khổ, bền chí đi tới thành công. Dùng cá chép cũng như biểu tượng của may mắn và hạnh phúc sẽ đến với mỗi nhà.

Văn khấn ông Công ông Táo chuẩn nhất

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo Phủ Thần Quân!

Tín chủ con (chúng con) là.........

Ngụ tại:.........

Hôm nay ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm sửa biện hương hoa, phẩm vật xiêm hài mũ áo, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.

Chúng con kính mời:

Ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần Quân giáng lâm trước án, thụ hưởng lễ vật.

Kính cẩn báo Ngài, vị chủ gia thần, soi xét lòng trần, Táo quân chứng giám,

Trong năm sai phạm, lỗi lầm các tội, cúi xin Tôn thần, gia ân châm chước,

Ban phước phù hộ toàn gia, an ninh khang thái, dãi tấm lòng thành, kính cẩn cúi xin, mong Ngài chứng giám.

Cẩn cáo.

Những kiêng kỵ cần lưu ý khi cúng ông Công ông Táo

Liên quan đến ngày lễ này, các chuyên gia phong thủy đã đưa ra một số lưu ý giúp các gia đình thực hiện nghi lễ truyền thống.

Không nên cúng ông Công ông Táo quá sớm

Về thời điểm làm lễ cúng ông Công ông Táo, các gia đình không nên cúng quá sớm, tuyệt đối tránh cúng vào đúng ngày rằm tháng Chạp; nên cúng sớm nhất là từ ngày 20 tháng Chạp (tức 20 tháng 12 âm lịch) đến 23 tháng Chạp.

Đồng thời không bao sái, rút chân nhang, dọn dẹp không gian thờ cúng và bàn thờ trước khi cúng ông Công ông Táo. Các gia đình phải cúng ông Công ông Táo xong mới được thực hiện việc bao sái và rút tỉa chân nhang.

Người thực hiện nghi lễ cúng ông Công ông Táo phải giữ thân thanh sạch

Khi hành lễ ăn mặc chỉn chu, gọn gàng kín đáo không mặc quần đùi, áo ba lỗ, váy ngắn… Trong lúc khấn cúng phải giữ tâm thái hoan hỉ vui vẻ để tạo ra năng lượng tích cực trong thờ cúng và tâm linh.

Đặt mâm cúng ở bàn thờ gia tiên hoặc lập bàn thờ Táo quân riêng chứ không đặt ở dưới bếp

Không thả cá chép từ trên cao xuống mà cần thả nhẹ nhàng ở mép nước.

(*)Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo.

Hoàng Khuông (TH) (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới