Cà vạt có nguồn gốc từ lịch sử quân sự. Bằng chứng đầu tiên được biết đến về việc con người đeo một tấm vải giống như cà vạt quanh cổ đã được tìm thấy trong các tác phẩm điêu khắc bằng đất nung. Những tác phẩm điêu khắc này có niên đại khoảng 200-300 trước Công nguyên.
Chiếc cà vạt - biểu tượng của sự thanh lịch, gắn liền với hình ảnh của đàn ông cũng có cả một lịch sử đằng sau nó
Vào năm 1974, khi ngôi mộ vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc là Tần Thủy Hoàng được khai quật, người ta phát hiện ra rằng khoảng 7.500 tượng binh lính bằng đất nung được dựng quanh lăng mộ đều được quàng quanh cổ một khăn lụa có thắt nơ.
Những chiếc khăn quàng cổ tương tự cũng được phát hiện trên Cột Trajan ở Rome, Italia. Hoàng đế Trajan trị vì La Mã từ năm 98 đến năm 117 sau Công nguyên. Ông được coi là một nhà lãnh đạo quân sự tài ba, người đã mở rộng đế chế La Mã của mình của cách thần tốc. Những chiến thắng trong các cuộc chinh phạt của hoàng đế Trajan được tưởng nhớ trên cột đá cẩm thạch của Trajan, được xây dựng vào khoảng năm 113 sau Công nguyên, trên đó một số binh sĩ được miêu tả mang khăn che cổ tương tự như cà vạt.
Tuy nhiên, nhiều nhà sử học cho rằng chiếc cà vạt mà chúng ta thấy ngày nay là sự "tiến hóa" gần đây nhất của khăn quàng cổ từ thế kỷ XVII. Đó là một dạng khăn quàng cổ mỏng của lính đánh thuê người Croatia từng phục vụ cho vua Louis XIII, và sau đó là những người kế vị của ông. Những chiếc khăn quàng cổ này đầy màu sắc và giúp giữ áo choàng lại với nhau. Tuy nhiên, hơn cả tiện ích này, hoàng đế Pháp còn bị ấn tượng bởi phong cách thời trang của lính đánh thuê - và ông không phải là người duy nhất!
Vào thời điểm vua Louis XIV lên ngôi, những chiếc khăn quàng cổ này đã "làm khuynh đảo" cả Paris! Những trang phục bằng vải lanh mà các quý tộc Pháp thường mặc đã nhanh chóng được thay thế bằng những chiếc khăn quàng cổ sáng màu. Những chiếc khăn quàng cổ này có vẻ thoải mái và được cho là đẹp hơn kiểu cổ áo xếp nếp bằng vải lanh.
Phụ kiện này nhanh chóng được ưa thích tại các quốc gia láng giềng của Pháp và dần dần phổ biến khắp châu Âu. Theo thời gian, chúng bị tác động bởi các yếu tố địa lý và văn hóa, và không còn giữ nguyên mẫu giống với chiếc khăn quàng cổ đầu tiên mà lính đánh thuê Croatia sử dụng.
Vào đầu thế kỷ 20, với sự nổi lên của công việc văn thư, chiếc cà vạt đã sớm trở thành một "phù hiệu" cho những người làm công việc công sở. Mang một chiếc cà vạt đóng vai trò như một biểu tượng cho thấy rằng người đeo không còn là một công nhân "đầu tắt mặt tối" với máy móc, thay vào đó họ thuộc về một cấp bậc cao hơn trong hệ thống phân cấp xã hội.
Những người đam mê thời trang cho rằng cà vạt là phụ kiện không thể thiếu trong tủ đồ của nam giới, làm toát lên khí chất lịch lãm và uy quyền. Ngày nay, nam giới trẻ có vô số lựa chọn để thể hiện chất riêng - các kiểu tóc, hoa tai, hình xăm… khác nhau trong thời đại công nghệ cao. Tuy nhiên, khoảng một thế kỷ trở về trước, lựa chọn cho nam giới để thể hiện cá tính với quần áo của họ bị hạn chế. Đó là lúc mà cà vạt được coi là lựa chọn phục trang tuyệt vời để nam giới khẳng định mình.
Cà vạt kiểu hiện đại xuất hiện trong giai đoạn những năm 1920 và đến nay vẫn không ngừng biến đổi. Cà vạt ngày nay có sự khác biệt về bề rộng, đường cắt, chất liệu vải và hoa văn. Các sự lựa chọn này cho phép nam giới hiện đại thể hiện phong cách cá nhân của riêng mình. Spencer Kruse, người am hiểu về lĩnh vực thời trang, trả lời trên Quora rằng, đàn ông hiện đại đeo cà vạt vì 5 lý do chính.
Đó là để thể hiện người đàn ông trân trọng những giá trị lịch sử, trân trọng giá trị bản thân, tạo nên sự tự tin, khiến bạn trông sang trọng hơn và giúp tạo ấn tượng tốt với người khác.