TIN TỨC » Kiến thức

Vì sao nhiều hãng hàng không cấm phi công để râu? Lý do liên quan đến sinh tử của cả phi hành đoàn

Thứ sáu, 21/06/2024 08:01

Rất nhiều hãng hàng không yêu cầu phi công không được để râu nhằm bảo đảm an toàn bay.

Có rất nhiều tiêu chuẩn gắt gao được đặt ra cho phi công, trong số đó, đáng ngạc nhiên hơn cả chính là quy định phi công không được để râu.

Vì sao phi công không được để râu?

Nếu để ý, bạn sẽ thấy gương mặt các nam phi công rất... sáng sủa, không có chuyện râu ria rậm rì như các tài tử điện ảnh thích thể hiện sự nam tính. Đó là kỷ luật của ngành, vì các hãng hàng không lớn thường nghiêm cấm phi công để râu. Lệnh cấm này không phải vì giữ hình ảnh lịch sự quý ông cho người lái máy bay chở hành khách, mà vì mục đích an toàn.

Rất nhiều hãng hàng không yêu cầu phi công không được để râu nhằm bảo đảm an toàn bay.

Khi máy bay có sự cố hoặc xảy ra các tình huống khẩn cấp khác, phi công là người cần giữ sự tỉnh táo, khỏe mạnh nhất để điều khiển máy bay, ứng phó kịp thời và chính xác, hiệu quả với các tình huống xấu, bất ngờ, có như vậy mới có thể cứu sống hàng trăm sinh mạng trên máy bay. Khi phi công cần sử dụng mặt nạ dưỡng khí, bộ râu có thể khiến chiếc mặt nạ không thể ôm khít với gương mặt, nguy cơ mất an toàn sẽ tăng cao.

Không chỉ cạo râu, để đảm bảo mặt nạ dưỡng khí phát huy tối đa hiệu quả, các phi công cũng không được phép đeo bất cứ thứ gì trên mặt có thể cản trở họ đeo mặt nạ đúng cách, gây nguy hiểm cho bản thân và hành khách.

Một quy định khiến nhiều người thắc mắc nữa là phi công không được phép có sẹo. Đó là do họ phải phải làm việc ở độ cao hàng chục nghìn mét, nơi không khí rất loãng, áp lực không khí thấp khiến cơ thể người có xu hướng nở ra. Lúc này, các vết sẹo, kể cả sẹo cũ, trở thành điểm yếu trên da, có nguy cơ bị vỡ, gây rách da và chảy máu. Vết sẹo càng lớn, nguy cơ này càng cao.

Thường áp lực khí tại ca bin và khoang máy bay được duy trì cân bằng ở mức tương đương độ cao 2.000 mét, rất an toàn với các vết sẹo. Tuy nhiên, khi máy bay gặp sự cố về máy nén khí ở độ cao 10.000 mét trở lên, áp lực của không khí bên ngoài khoang máy rất thấp, những vết sẹo có thể bị nứt ra và chảy máu. Điều này không đe dọa tính mạng nhưng có thể khiến phi công mất tập trung, giảm độ chính xác trong xử lý tình huống, ảnh hưởng đến an toàn bay.

Dữ liệu chứng minh

Năm 1987, một thử nghiệm đánh giá an toàn đã được thực hiện nhằm khảo nghiệm các phi công và đánh giá xem liệu hiệu suất của họ có bị ảnh hưởng khi để râu hay không.

Kết quả cho thấy: "Ba loại mặt nạ dưỡng khí phổ biến dành cho phi hành đoàn được TSO phê duyệt được trang bị bộ điều chỉnh gắn trên mặt nạ đã được thử nghiệm để xác định xem liệu sự suy giảm hiệu suất có xảy ra do sự hiện diện của lông mặt hay không.

Dữ liệu thu được từ các thử nghiệm này chỉ ra rằng sự suy giảm hiệu suất xảy ra khi có lông trên khuôn mặt dọc theo bề mặt bịt kín của mặt nạ dưỡng khí của phi hành đoàn.

Mức giảm này tỷ lệ thuận với số lượng lông trên khuôn mặt, loại mặt nạ được đeo, hệ thống treo liên quan đến mặt nạ và mức độ tổn hại thể chất mà cá nhân đó phải chịu".

Tiêu chuẩn đào tạo phi công

Nhiều người cũng thắc mắc tiêu chuẩn để tuyển học viên phi công là gì. Nhìn chung, những người muốn được nhận vào trường đào tạo phi công phải đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản như: Chiều cao tối thiểu từ 1m65 với nam và từ 1m60 với nữ. Cân nặng từ 54kg với nam và từ 48kg với nữ. Chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn hơn hoặc bằng 18 và nhỏ hơn 30. Vòng ngực trung bình lớn hơn hoặc bằng 50% so với chiều cao (tính bằng cm). Huyết áp tâm trương > 90 mmHg. Khoảng chênh lệch giữa huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương < 30 mmHg. Người nghiện rượu hoặc phụ thuộc vào các chất kích thích chắc chắn bị loại.

Phi công không được có bất thường nào về hệ tim mạch, hệ hô hấp, về cấu trúc hay chức năng ở dạ dày, ruột, hệ tiết niệu và sinh dục, về chức năng tai, mũi, xoang và họng (bao gồm khoang miệng, răng, thanh quản)... làm ảnh hưởng đến lao động bay và an toàn bay. Họ phải nghe được lời nói thường cách xa 5 mét và nói thầm cách 0,5 mét, phải đảm bảo về sức khỏe răng miệng.

Họ cũng sẽ không được lái nếu mắc bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào có thể ảnh hưởng đến an toàn bay, bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh viêm gan truyền nhiễm các thể có rối loạn chức năng gan, các bệnh ký sinh trùng...

Phụ nữ không được làm phi công cũ nếu bị rối loạn kinh nguyệt điều trị không kết quả, có các bệnh cấp và mạn tính hay tái phát của tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng...

Các cơ sở đào tạo phi công thường yêu cầu học viên có trình độ Tốt nghiệp THPT trở lên, tuổi đời (tính theo năm sinh) từ 18 – 32, lý lịch rõ ràng, không có tiền án, tiền sự.

Hoàng Khuông (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới