Vì sao gọi tháng 12 âm lịch là tháng Chạp?
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, chữ “chạp” là một biến âm của từ “lạp” trong tiếng Hán. Lễ tế thần vào dịp cuối năm âm lịch của người Trung Quốc xưa được gọi là Lạp, thế nên tháng này còn được gọi là Lạp nguyệt (nguyệt nghĩa là tháng). Khi nhắc tới chữ “lạp” tức là nói tới việc đi “lạp mả”, thăm nom, sửa dọn phần mộ tổ tiên để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.
Trong tiếng Hán, “lạp” cũng có nghĩa là lễ tất niên, nghĩa này cũng liên quan đến tập tục kể trên.
Văn hóa Việt Nam phần nào chịu ảnh hưởng qua lại với Trung Quốc, tháng 12 cũng là tháng nhiều lễ lạt cúng bái, nên dần dần có từ “giỗ chạp”. Người Việt Nam cũng coi trọng việc thăm nom, chăm sóc mồ mả cha ông trong tháng cuối năm, để năm hết tết đến khi thắp hương mời tổ tiên về nhà ăn tết thì phần mộ đều được tươm tất, thể hiện sự nhớ ơn và tình cảm ấm áp của gia đình, họ tộc.
Một cách lý giải khác: Chữ “lạp” trong tiếng Hán cũng có nghĩa là thịt. Tháng cuối năm là thời gian người ta tích trữ các loại thực phẩm để đối phó với mùa đông rét mướt, và cũng để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Trong đó, thịt là loại thực phẩm quý giá, quan trọng.
Chữ “lạp” trong “lạp xường” (hay lạp xưởng, tùy cách đọc) cũng mang nghĩa này. Trong đó. “xưởng” hay “xường” có nghĩa là ruột (âm hán Việt là “trường”).
Đối với người Việt, tháng Chạp là tháng quan trọng trong năm, khi mọi người hướng đến cái Tết đoàn viên bên gia đình. Ai nấy đều hối hả, dốc sức hoàn tất các kế hoạch trong năm để khi năm mới đến, nhìn lại năm cũ thấy mình có nhiều thành tựu.
Về mặt tâm linh, tháng Chạp cũng là tháng có nhiều lễ nhất. Ngoài việc thắp hương vào mùng 1, ngày rằm như các tháng khác, các gia đình còn có lễ cúng ông Công ông Táo vào 23 tháng Chạp, lễ cúng tất niên vào chiều 30 Tết và lễ cúng Giao thừa vào khoảnh khắc cuối cùng của năm cũ, đầu tiên của năm mới.
3 lễ cúng quan trọng trong tháng Chạp nhất định không được bỏ qua
Lễ cúng rằm tháng Chạp
Tùy theo tập tục của mỗi địa phương mà lễ cúng rằm tháng Chạp có những khác biệt. Tuy nhiên về cơ bản, các gia đình thường chuẩn bị mâm lễ chay và mâm cỗ mặn.
Mâm cỗ chay gồm có:
• Nến hoặc đèn
• Hương
• Nước sạch
• Trầu cau
• Trái cây
• Hoa tươi
Mâm cỗ mặn gồm:
• Gà luộc (chọn gà trống)
• Xôi đỗ hoặc xôi gấc
• Canh miến
• Giò hoặc chả
• Món xào (như thịt bò xào, lòng gà xào giá)
• Rượu gạo và một vài món mặn khác.
Tùy vào điều kiện và quan điểm, tín ngưỡng mà các gia đình lựa chọn có làm mâm cỗ mặn hay không. Điều quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm.
Truyền thống của người Việt Nam thường cúng rằm tháng Chạp đúng ngày. Rằm tháng Chạp năm nay rơi vào thứ Sáu ngày 6/1/2023.
Lễ cúng ông Công, ông Táo
Theo tín ngưỡng dân gian, Táo quân là người cai quản chuyện bếp núc của mỗi gia đình. Táo quân bao gồm 2 ông và 1 bà, tượng trưng cho chiếc kiềng 3 chân trong căn bếp ấm cúng của người Việt xưa.
Lễ cúng ông Táo cần phải được tiến hành trước khi Táo quân bay về trời báo cáo Ngọc hoàng, tức là trước 12h ngày 23 tháng Chạp. Nếu gia chủ có ban thờ Táo quân đặt ở phòng bếp thì thắp hương ở ban thờ này. Nếu không có, gia đình thắp hương ở ban thờ gia tiên.
Đồ cúng gồm 3 con cá chép và bộ mũ áo; mũ Táo quân gồm có 2 mũ ông và 1 mũ bà. Mũ dành cho bà không cần cánh chuồn nhưng mũ dành cho ông cần 2 cánh chuồn. Đồ vàng mã sẽ được đốt sau lễ cúng ngày 23 tháng Chạp.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo:
• 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối
• 5 lạng thịt vai luộc
• 1 bát canh mọc
• 1 đĩa xào thập cẩm, 1 đĩa giò
• 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa chè kho
• 1 đĩa trái cây
• 1 ấm trà sen, 3 chén rượu
• Cau trầu
• Hoa
• Giấy tiền, vàng mã
Mâm cúng ông Công ông Táo có những gì tùy thuộc vào điều kiện mỗi gia đình.
Lễ cúng Tất niên
Lễ cúng Tất niên thường được tổ chức vào chiều 30 Tết như để kết thúc một năm, chuẩn bị đón chào những ngày năm mới. Tuy nhiên, với cuộc sống tất bật hiện nay, nhiều gia đình vì điều kiện mà thường tổ chức trước đó một hai ngày.
Mâm cơm cúng Tất niên thường được các gia đình làm rất thịnh soạn. Gia chủ sẽ mời ông bà, tổ tiên và những người đã khuất về ăn Tết cùng với con cháu. Tùy theo mỗi vùng miền mà mâm cơm cúng Tất niên cũng có những đặc trưng riêng. Chẳng hạn, ở miền Bắc hay có bánh trưng, giò, canh móng giò hầm măng, miến lòng gà, giò xào... Miền Trung hay có bánh tét, giò lụa, gà bóp rau răm... Miền Nam hay có canh măng, gỏi tôm thịt, thịt kho tàu... Ngoài ra, lễ cúng còn có mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, trầu cau, rượu, trà, đèn nến…
Tục xưa vẫn rất coi trọng bữa cơm tất niên chiều 30 Tết. Đây là dịp để các thành viên trong gia đình đoàn tụ và nếu gia đình nào càng đông đủ các thế hệ cùng dự bữa tất niên chứng tỏ gia đình đó "phúc lộc đề đa".
Ngoài ý nghĩa gia đình đoàn tụ sum vầy, bữa cơm tất niên còn là nghi thức tiễn biệt năm cũ và mời ông Công Ông Táo trở lại trần gian để tiếp tục công việc của mình là coi sóc bếp lửa cho các gia đình nơi trần thế. Sau bữa cơm tất niên, các thành viên trong gia đình chuẩn bị làm lễ cúng giao thừa đón chào một năm mới.
(*)Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo.