Tập đoàn FPT chính thức niêm yết 60,81 triệu cổ phiếu trên sàn chứng khoán vào ngày 13/12/2006 với giá 400.000 đồng/cp, một mức giá thuộc hàng cao nhất thị trường thời điểm đó (giá sau điều chỉnh là 11.520 đồng/cp).
Cùng với việc tăng trưởng lợi nhuận gần 26 lần so với năm 2005, sau gần hai thập kỷ, giá cổ phiếu FPT cũng tăng hàng nghìn %, điều hiếm gặp đối với nhóm cổ phiếu VN30.
Phiên giao dịch ngày 10/10/2024, cổ phiếu FPT đóng cửa ở mức 141.700 đồng, đánh dấu lần thứ 35 thiết lập đỉnh lịch sử kể từ đầu năm. Mức tăng 4,7% đưa vốn hóa tập đoàn lần đầu tiên vượt mốc 200.000 tỷ đồng, trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất trên sàn chứng khoán, vượt qua nhiều ông lớn như Hòa Phát, Vingroup, Vinhomes, VPBank...
Top cổ phiếu có giá cao nhất sàn HoSE tính đến hết phiên 10/10/2024
Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, vốn hóa của FPT đã tăng gấp đôi, từ 100.000 tỷ đồng hồi tháng 10/2023. So với mức giá sau điều chỉnh khi niêm yết, cổ phiếu FPT đã tăng gấp 12,3 lần và hiện nằm trong nhóm cổ phiếu đắt đỏ nhất sàn HoSE, cùng với FRT và VCF.
Nếu tính theo mức giá trước điều chỉnh, cổ phiếu FPT hiện có giá 4.920.000 đồng/cp, vượt trội so với mức 1.358.700 đồng/cp mà cổ phiếu CTCP VNG (VNZ) từng thiết lập hồi tháng 2/2023.
Hiện tại, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT, nắm giữ 6,08% vốn công ty, tương đương 88,7 triệu cổ phiếu, với khối tài sản ước tính 12.555 tỷ đồng, giúp ông lọt vào Top 7 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Nắm 6,08% vốn công ty, tương đương hơn 88,7 triệu cổ phiếu, khối tài sản của Chủ tịch Trương Gia Bình tăng lên mức 12.555 tỷ đồng, vượt qua bà Vũ Thị Hiền (vợ Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long) để đứng thứ 7 trong Top người giàu nhất sàn chứng khoán Việt. Ở tuổi 68, vị doanh nhân nguyên quán tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trở thành PGS.TS giàu nhất Việt Nam.
Mức thù lao của ông Bình tại Tập đoàn FPT năm 2023 là 0 đồng
Thị trường chứng khoán giai đoạn 2006-2007 từng chứng kiến hàng loạt cổ phiếu có giá đắt đỏ như BMC giá 847.000 đồng; SJS giá 728.000 đồng, DHG giá 553.000 đồng... Thời điểm đó, cổ phiếu FPT đạt đỉnh tại mức 665.000 đồng (giá trước tăng vốn).
Trong khi quy mô vốn điều lệ của Tập đoàn FPT hiện đã tăng gấp 24 lần cùng với quá trình mở rộng phát triển và tăng trưởng bền vững (đạt hơn 14.600 tỷ đồng), giá cổ phiếu các doanh nghiệp còn lại đã "xì hơi" cùng với bong bóng đầu cơ.