Bách vàng Việt Nam (Xanthocyparis vietnamensis), hay còn gọi là hoàng đàn vàng Việt Nam, là một trong những loài thực vật đặc biệt và quý hiếm nhất trên toàn cầu. Số lượng cá thể tự nhiên của loài này cực kỳ hạn chế, chỉ khoảng 1.000 cây ở Việt Nam và duy nhất một cây tại Trung Quốc, khiến nó trở thành một "báu vật" vô giá của thiên nhiên.
Mặc dù đã được phát hiện ở cả Việt Nam và Trung Quốc, phạm vi phân bố thực sự của bách vàng Việt Nam vẫn còn nhiều điều bí ẩn. Tại Trung Quốc, chỉ có một cá thể duy nhất được ghi nhận tại Khu bảo tồn thiên nhiên Mulun, tỉnh Quảng Tây vào tháng 4/2012.
Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã xếp cây bách vàng vào danh sách các loài cực kỳ nguy cấp, chủ yếu do phạm vi phân bố địa lý rất hẹp, diện tích sinh sống nhỏ bé và số lượng cá thể giảm sút nhanh chóng. Loài cây này ban đầu được phát hiện ở dãy núi Bát Đại Sơn, Hà Giang và sau đó mới tìm thấy các quần thể nhỏ lẻ ở Cao Bằng và Tuyên Quang.
Bách vàng Việt Nam phân bố ở Hà Giang, Cao Bằng và Tuyên Quang.
Bách vàng Việt Nam là loài cây thân gỗ nhỏ đến trung bình, cao khoảng 10-15m, có thân tròn thẳng và vỏ màu nâu đỏ đến nâu xám. Điều đặc biệt là loại cây gỗ này thường mọc trên những địa hình hiểm trở, khó tiếp cận như các vách đá vôi dựng đứng. Gỗ của bách vàng có màu nâu vàng óng ánh, thớ mịn và vô cùng cứng chắc, tỏa ra mùi thơm đặc trưng.
Loại gỗ quý hiếm này từ lâu đã được giới thượng lưu ở Đông Á ưa chuộng cho các mục đích như xây dựng nhà cửa, chế tác vật phẩm phong thủy và đồ mỹ nghệ cao cấp. Đặc biệt, tốc độ sinh trưởng chậm của bách vàng càng làm tăng thêm giá trị, khiến loại gỗ này trở thành một tài sản quý giá và được săn lùng trên thị trường.
Bách vàng Việt Nam thể hiện sự thích nghi độc đáo với môi trường sống khi mọc ở những địa điểm hiểm trở. Tại Quảng Tây (Trung Quốc), loại cây này được tìm thấy ở độ cao 720m so với mực nước biển, trong khi ở Việt Nam chúng thường xuất hiện ở độ cao từ 1.000 - 1.600m. Điều đặc biệt là bách vàng Việt Nam thường bám rễ trên các vách đá vôi dựng đứng, tạo nên một khung cảnh vô cùng ấn tượng và cũng rất nguy hiểm. Dẫu vậy, không ít người vẫn bất chấp tính mạng để khai thác cây này lấy gỗ.
Hoạt động khai thác gỗ trái phép là nguyên nhân chính khiến số lượng cây bách vàng ngày càng giảm sút nghiêm trọng. Việc chặt phá cây bách vàng không chỉ làm giảm số lượng cá thể trưởng thành mà còn tác động tiêu cực đến sự tái sinh của loài, đe dọa sự đa dạng di truyền vốn đã rất hạn hẹp của cây quý hiếm này.
Theo quy định, bách vàng Việt Nam hiện được xếp vào nhóm IA, danh mục các loài thực vật rừng đặc biệt quý hiếm, nghiêm cấm mọi hành vi khai thác, buôn bán, vận chuyển trái phép.