TIN TỨC » Kiến thức

Vĩnh Phúc được tách ra từ tỉnh nào?

Chủ nhật, 11/08/2024 15:51

Năm 1968, Vĩnh Phúc từng sáp nhập với tỉnh này để thành lập nên một tỉnh mới, sau 29 năm, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập trở lại.

Sau gần 29 năm hợp nhất, đến năm 1996, tỉnh Vĩnh Phú (vốn được hợp nhất từ 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) tách ra, tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ được tái lập trở lại. Hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu về tỉnh Vĩnh Phúc nhé!

Tỉnh Vĩnh Phúc có diện tích tự nhiên 1.236 km2, dân số 1.197.617 người (theo niên giám thống kê năm 2022). Phía Bắc tỉnh Vĩnh Phúc giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Tây giáp Phú Thọ, thủ đô Hà Nội ở phía Nam, phía Đông tiếp giáp 2 huyện Sóc Sơn - Đông Anh. Trên địa bàn Vĩnh Phúc có 41 dân tộc anh em cùng chung sống. Tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện: 2 thành phố (Vĩnh Yên và Phúc Yên) và 7 huyện; 136 xã, phường, thị trấn.

Vĩnh Phúc có dạng địa hình thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam, chia tỉnh thành 3 vùng có địa hình đặc trưng là đồng bằng, gò đồi, núi thấp và trung bình. Cụ thể, phía Bắc của tỉnh này có dãy núi Tam Đảo kéo dài từ xã Đạo Trù (Tam Đảo) - điểm cực Bắc của tỉnh đến xã Ngọc Thanh (Phúc Yên) - điểm cực đông của tỉnh với chiều dài trên 30 km, phía Tây Nam được bao bọc bởi sông Hồng và sông Lô, những đặc điểm này tạo nên địa hình đa dạng của Vĩnh Phúc. Tỉnh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có đặc điểm khí hậu của vùng trung du miền núi phía Bắc. Trên địa bàn tỉnh có 4 con sông chính chảy qua là: sông Hồng, sông Lô, sông Đáy và sông Cà Lồ.

Kể từ khi tái lập, Vĩnh Phúc trở thành tỉnh có kinh tế phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thu hút đầu tư nhiều năm liên tiếp của Vĩnh Phúc trở thành “điểm sáng” của cả nước.

Vĩnh Phúc có rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa để thu hút khách tham quan. Ngoài ra còn có rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, nổi tiếng miền Bắc và cả nước như: Vườn Quốc gia Tam Đảo, danh thắng Tây Thiên, khu nghỉ mát Tam Đảo, khu du lịch Đại Lải, khu du lịch sinh thái - vườn cò Hải Lựu, núi Sáng, khu nghỉ Đầm Vạc, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên,...

Nhờ sở hữu những tiềm năng và thế mạnh trên, tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước.

Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới