TIN TỨC » Kiến thức

Vo gạo làm hao hụt chất dinh dưỡng nhưng vẫn rất cần thiết, lý do đơn giản nhưng không phải ai cũng biết

Thứ hai, 05/08/2024 21:52

Theo các chuyên gia việc vo gạo là cần thiết, tuy nhiên mọi người cũng không nên vo gạo quá kỹ, chắt hết các phần nước đục sẽ làm mất đi các dưỡng chất quan trọng của hạt gạo.

Vo gạo làm hao hụt chất dinh dưỡng nhưng vẫn rất cần thiết

Gạo là thực phẩm cung cấp chất bột đường, vitamin và các khoáng chất, giúp bổ sung năng lượng cho cơ thể. Ngoài ra, gạo cũng chứa các loại vitamin nhóm B (B1, B3, B6), vitamin E, sắt, kẽm, omega 3 và chất xơ. Những dưỡng chất này tập trung nhiều nhất ở lớp ngoài của hạt gạo.

Ngoài ra, lớp vỏ cám ở quanh hạt gạo chứa rất nhiều xenlulo, có tác dụng thúc đẩy quá trình bài tiết cholesterol, làm giảm hàm lượng cholesterol có hại trong máu.

Vo gạo làm hao hụt chất dinh dưỡng nhưng vẫn rất cần thiết.

Nhiều ý kiến cho rằng không nên vo gạo trước khi nấu vì sẽ làm mất các chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất có lợi cho cơ thể, tuy nhiên, với điều kiện thời tiết của Việt Nam (nóng, ẩm) hạt gạo có thể dính bụi, bẩn, chứa mối, mọt… Do vậy, việc vo gạo là cần thiết để loại bỏ bụi bẩn và các tạp chất bám vào gạo trong quá trình xay xát, thậm chí, vo gạo cũng giúp loại bỏ một số hạt vi nhựa có trong gạo do nhiễm từ bao bì đựng gạo.

Mặc dù vo gạo cải thiện kết cấu của gạo đồng thời loại bỏ các tạp chất không mong muốn nhưng không nên ngâm gạo quá lâu để không mất hết một số chất dinh dưỡng trong gạo. Và khi vo gạo mọi người không nên chà xát mạnh tay mà chỉ nên khuấy nhẹ nhàng, gạn nước để loại bỏ mọt, bụi bẩn, sạn…

Vo gạo thế nào là đúng cách?

Cho dù nhà bạn đang ăn loại gạo nào cũng nên tham khảo phương pháp vo gạo dưới đây:

• Vo gạo nhẹ nhàng trong 10 giây với nước sạch sau đó gạn nước đục đổ đi.

• Không chà xát gạo quá mạnh, quá kỹ.

• Loại bỏ bất kỳ mảnh vụn nào có thể nhìn thấy hoặc các hạt không màu trước khi nấu.

Đối với gạo mới: Chỉ nên vo gạo tối đa 2 lần. Trong khi vo nên nhẹ tay, đổ nước vo gạo ra ngoài. Không nên vo, ngâm gạo quá lâu trong nước vì gạo sẽ bị mất các chất dinh dưỡng cần thiết. Không nên bóp mạnh hoặc chà xát gạo vì dễ làm gãy hạt gạo cơm sẽ không ngon.

Đối với gạo cũ: Do để lâu ngày nên trong quá trình bảo quản hạt gạo có thể bị oxy hóa tạo 1 lớp cám bao quanh hạt gạo hoặc đôi khi có mùi hơi mốc. Cho 1 ít muối vào rồi vo như gạo mới. Tuy nhiên chỉ nên vo 3 lần để loại bỏ các tạp chất bị oxy hóa. Vo nhẹ tay để tránh hạt gạo bị gãy vụn. Chú ý phân biệt gạo cũ với gạo mốc, gạo mốc sản sinh ra nấm aspergillus có chứa độc tố aflatoxin. Chất độc này còn có thể gây suy gan, thậm chí là ung thư gan nếu sử dụng gạo bị mốc trong thời gian dài.

Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới